Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý di tích quốc gia đặc biệt: Thống nhất mô hình - tăng hiệu quả

Thanh Thủy| 06/01/2019 07:35

(HNM) - Hà Nội vừa có thêm 3 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích đặc biệt quan trọng ở Thủ đô lên con số 16.

Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) - Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều mô hình quản lý

Cách đây chưa lâu, giới nghiên cứu lên tiếng về việc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh) bị xâm hại kéo dài nhiều năm. Bên cạnh tồn tại do lịch sử để lại, mô hình quản lý di tích thiếu thống nhất là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng xuống cấp chưa được ngăn chặn kịp thời.

Theo Ban Quản lý di tích Cổ Loa, tại mặt thành và chân các vòng thành có hơn 1.000 hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay, tạo ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Cổ Loa Lê Viết Dũng cho biết, Ban chỉ quản lý các điểm di tích trong khu vực thành Nội cùng một vài địa điểm khác với diện tích 40ha. Phần còn lại của khu di tích, khoảng 860ha do chính quyền xã Cổ Loa quản lý. Vì vậy, khi phát hiện sai phạm trong khu vực thuộc sự quản lý của chính quyền xã, Ban chỉ có thể làm văn bản đề nghị xử lý. Số vụ vi phạm nhiều, việc xử lý chậm khiến tình trạng xâm hại di tích trở nên phức tạp.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận xét: Xung đột về quản lý di tích vẫn thường xảy ra bởi những tồn tại về phân cấp quản lý, trong đó, việc quản lý ở nhiều nơi dường như mới chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận, chưa có nguyên tắc được thông qua một cách chính thức.

Trước đây, tại di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng xảy ra sai phạm. Nhiều người bất ngờ bởi một di tích có giá trị kiến trúc, nghệ thuật đặc biệt như đền Phù Đổng lại được giao cho ban quản lý di tích cấp xã quản lý. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Những di tích đặc biệt quan trọng như đền Phù Đổng cần được giao cho cấp quản lý có nguồn nhân lực tốt hơn để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh.

Cần sớm điều chỉnh

Sau quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có thêm 3 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ); di tích lịch sử gò Đống Đa (quận Đống Đa); di tích kiến trúc nghệ thuật đình So (huyện Quốc Oai), nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của thành phố lên con số 16. Tuy nhiên, cũng như tình hình chung trên cả nước, mô hình quản lý các di tích này khá đa dạng. Ngoài di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; Khu di sản Hoàng thành Thăng Long do UBND TP Hà Nội quản lý thông qua Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ trực tiếp quản lý Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và di tích đền Ngọc Sơn.

Các di tích còn lại thuộc quyền quản lý của các quận, huyện, thậm chí xã, phường. Bên cạnh những di tích thuộc cấp trung ương, thành phố quản lý, được bảo tồn, phát huy giá trị tương đối hiệu quả, một số di tích quốc gia đặc biệt khác chưa được bảo vệ đúng mức, dẫn đến những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo hay thất thoát cổ vật. Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến nhận định: Mô hình ban quản lý di tích còn tồn tại bất cập, trong đó có việc hình thành tự phát các ban quản lý di tích từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Còn theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, hiện trạng nói trên đòi hỏi cách tiếp cận thực tế hơn để đưa nội dung quy định của pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến với cộng đồng, đến chính quyền cơ sở nhằm phát huy tối đa hiệu quả bảo tồn.

Thực tế cho thấy việc xác định mô hình, phân cấp quản lý di tích giữ vai trò quan trọng. Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng (Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2946/BVHTTDL ngày 27-8-2014 về việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích, trong đó ghi rõ ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý những di tích quan trọng. Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND quận, huyện, thị xã cũng nêu rõ, ban quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương cần rút kinh nghiệm từ thực tế để nghiên cứu mô hình tổ chức ban quản lý di tích đặc biệt cũng như kiện toàn bộ máy quản lý di tích cho phù hợp, thống nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Như vậy, cần xác định rằng, việc tổ chức mô hình quản lý di tích theo quy định hiện hành là điều cần ưu tiên thực hiện, trước khi nghĩ đến những giải pháp tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý di tích quốc gia đặc biệt: Thống nhất mô hình - tăng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.