Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh năm Hợi xưa còn, nay mới

Thu Cúc| 09/02/2019 07:02

(HNM) - Lợn là loài vật xuất hiện nhiều trong tranh dân gian với ý nghĩa hạnh phúc, đủ đầy, sum vầy. Nay, trong thú chơi tranh Tết, nhiều người vẫn còn tìm đến tranh dân gian vẽ lợn.

Hình ảnh con lợn trong tranh Đông Hồ.


Truyền thông điệp ấm no, sung túc

Nhắc đến con lợn, nhiều người dân Việt Nam nhớ ngay đến hình ảnh thân thuộc của chúng trong các bức tranh dân gian Đông Hồ của xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh và Kim Hoàng của xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Ở đó, con giáp này mang hình thái đẹp đẽ với lời chúc về sự no ấm, sung túc và một năm mới phát tài, phát lộc.

Con lợn trong tranh Đông Hồ được đánh giá là một trong những tạo hình loài vật đẹp nhất. Có thể vì làng tranh này nằm giữa một vùng quê Bắc Bộ thanh bình, người xưa thân thiết và dành nhiều tình cảm cho các vật nuôi, đặc biệt là con lợn. Cứ ngắm nhìn các bức tranh dân gian Đông Hồ thể hiện hình ảnh con vật này như “Lợn đàn”, “Lợn ăn cây ráy”, “Lợn độc” sẽ thấy đường nét người xưa chắt lọc vô cùng tinh tế. Những nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét khắc khéo tôn lên dáng chắc khỏe, vững chãi của con vật này. Xoáy âm dương trang trí cân đối trên mình lợn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở.

Tranh Đông Hồ luôn được in trên giấy điệp. Giấy ấy thực chất là giấy dó được phết một lớp vỏ điệp nghiền nát, trộn với hồ nếp. Người ta phải dùng chổi lá thông để phết mới làm nổi sắc trắng và ánh lấp lánh rất quý của vỏ điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên, rất tươi sáng. Ấy là màu đen từ than xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng hay lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ đất son hoặc gỗ vang...

Nếu con lợn trong tranh Đông Hồ có vẻ thuần phác, mộc mạc, thì trong tranh Kim Hoàng có tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên. Sự táo bạo thể hiện ở hình dáng lợn màu đen to lớn, choán phần lớn bức tranh. Chiếc mũi đặc trưng của con vật biến mất, thay thế bằng họa tiết mây trong vốn cổ. Tai lợn cũng được cách điệu bằng họa tiết hình xoắn ốc với những nét phẩy bút hướng về phía sau. Nét uốn lượn dọc thân lợn nhìn rất vui mắt.

Tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh đỏ, vì dùng giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu làm nền. Dòng tranh này cũng dùng màu có nguồn gốc tự nhiên, kết hợp với nền đỏ tươi tắn rất thích hợp cho ngày Tết. Nếu tranh Đông Hồ thuần về in, thì tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu và vẽ, vì vậy tuy nhác giống, nhưng kỳ thực không có hai bức tranh nào giống hệt nhau.

Thời xưa, người Việt có nếp treo tranh con giáp mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm Hợi thường số tranh được làm nhiều hơn hẳn, do ý nghĩa tượng trưng và vẻ đẹp tạo hình của con vật này trong tranh dân gian. Nay, tuy tranh dân gian không còn chiếm ưu thế trong các ngôi nhà Việt vào dịp đón xuân mới, nhưng đến năm Kỷ Hợi, vẫn có nhiều người tìm đến tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng có hình tượng con lợn.

Cảm hứng từ con giáp tươi vui, ngộ nghĩnh


Ở một lối đi khác, nhiều năm qua, giới họa sĩ Việt còn có thói quen vẽ tranh con giáp chào năm mới. Ban đầu, các họa sĩ chỉ vẽ tranh con giáp vào đêm Giao thừa hoặc ngày mùng 1 Tết như một cách khai bút, rồi tặng cho bạn bè, người thân. Vài năm trở lại đây, nhiều họa sĩ vẽ tranh con giáp năm mới từ sớm để đón nhu cầu sắm tranh treo Tết của các gia đình. Xuân Kỷ Hợi, với con giáp tượng trưng là con lợn, các họa sĩ bày tỏ sự hào hứng sáng tạo hơn hẳn.

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, ông thường vẽ những tranh con giáp mình yêu thích. Dịp đón xuân Đinh Dậu 2016, họa sĩ vẽ loạt tranh gà, rồi mở triển lãm, nhằm đánh dấu một vòng hoa giáp đời mình. Năm nay, họa sĩ vẽ tranh con lợn, vì ông rất yêu hình ảnh tươi vui, ngộ nghĩnh của con vật này. Tuy vậy, ông chỉ vẽ trong lặng lẽ, không tổ chức triển lãm.

Họa sĩ Thành Chương định phát triển tranh từ hình ảnh của con lợn trong văn thơ và đời sống. “Con lợn trong tranh sáng tác không bó hẹp với ý nghĩa sung túc, đông đàn, dài lũ, mà phải thiết thực và gần gũi với cuộc sống đương đại”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Với họa sĩ Văn Dương Thành, vẽ tranh con giáp đã trở thành thông lệ vào khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới để khai bút. Sau đó, tranh trở thành món quà cho những người yêu quý. Năm nay, con giáp mang ý nghĩa cho sự sum vầy, hạnh phúc gia đình, đôi lứa, Văn Dương Thành đang ấp ủ nhiều cách thức thể hiện, nhưng có lẽ sẽ không nằm ngoài bút pháp ấn tượng mà bà theo đuổi.

Nhiều họa sĩ khi bước vào thể hiện tranh con lợn cho Tết Kỷ Hợi nhận định rằng, không dễ để vượt qua các bức tranh dân gian Đông Hồ đã ăn sâu vào tiềm thức người thưởng tranh. Họa sĩ Phạm Trần Quân tâm sự, mấy tháng nay, ông loay hoay với loạt tranh về con giáp biểu trưng cho năm Hợi.

"Ý tưởng, triết lý, cách tạo hình, đường nét, màu sắc của con lợn đã được người xưa thể hiện hoàn hảo trong tranh, rất đáng học hỏi. Nhưng, nếu họa sĩ hiện đại sao chép hoặc lặp lại lối vẽ này, chắc chắn sẽ thất bại. Họ cần tìm ra một cách thể hiện mới, có kế thừa nét dân gian, truyền thống”, họa sĩ Phạm Trần Quân nhận định.

Về cơ bản, tranh con lợn của các họa sĩ đương thời vẫn có những nét béo tốt, tròn đầy, song dáng hình và góc nhìn không chỉ trực diện, mà đa dạng hơn. Vẻ mặt lúc hài hước, khi ngây thơ và luôn sinh động. Bảng màu tranh cũng tươi sáng, hợp với không khí ngày xuân, nhưng phong phú hơn tranh dân gian.

Họa sĩ Phạm Trần Quân không chỉ thay đổi về mặt tạo hình con giáp, mà cả chất liệu thể hiện. Thay vì vẽ trên toan, họa sĩ Phạm Trần Quân đã nghĩ tới việc vẽ trên gốm để làm nên các sản phẩm mang tính ứng dụng cao hơn. Đây cũng là hướng khai thác của nhiều họa sĩ đương đại.

Một con vật gần gũi, khỏe khoắn, biểu trưng cho nhiều điều may lành, tốt đẹp trong cuộc sống, đã được xây dựng thành công trong tranh dân gian và tạo nhiều cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ đương đại. Mong rằng, sẽ có thêm nhiều sự chung tay để gìn giữ và làm phong phú hơn các hình thức thể hiện con giáp này trong nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh năm Hợi xưa còn, nay mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.