Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho mùa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa

Nguyễn Thanh| 10/02/2019 08:25

(HNM) - Hôm nay 10-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019), các lễ hội lớn trên địa bàn TP Hà Nội, như lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), đền Gióng (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Cổ Loa (Đông Anh) khai hội.

Trước giờ khai hội

Từ trước Tết Kỷ Hợi 2019, người dân thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn) đã nô nức chuẩn bị nguyên vật liệu kết giò hoa tre dâng Thánh tại hội Gióng đền Sóc. 10h sáng 8-2 (mùng 4 Tết), các đại diện của thôn tập hợp các ngọn giò hoa tre kết thành phẩm vật, sẵn sàng cho lễ rước.

Ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh cho biết: "Năm nay, thôn kết 1 nghìn ngọn giò hoa tre bằng nguyên liệu vầu, loại cây cùng họ với tre nhưng có gióng dài và dẻo hơn nên lễ vật nuột nà, đẹp mắt hơn. Đây cũng là loại cây phổ biến nên việc thiếu hụt nguyên liệu như các năm trước đã được xóa bỏ".

Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, lễ hội chùa Hương đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ Phật.


Hội Gióng ở đền Sóc năm 2019 tiếp tục thực hiện phương án phát lộc thay cho tất lộc - hoạt động dễ nảy sinh tranh cướp phản cảm, gây mất an toàn, an ninh. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh khẳng định: Công tác tổ chức lễ hội năm nay cơ bản sẽ thực hiện như năm 2018. Do lễ hội diễn ra vào ngày cuối tuần cùng đợt nghỉ Tết, dự tính lượng du khách đổ về đền Sóc sẽ tăng 10-15% so với năm trước nên công tác bảo đảm an ninh tiếp tục siết chặt.

Ở mùa lễ hội trước, khi thử nghiệm không cho tất lộc và tranh cướp, thay vào đó là xếp hàng xin lộc, nhưng do hành lang chật nên đôi lúc vẫn xảy ra xô đẩy, chen lấn. Để tránh điều này, năm nay lộc không được phát ngay sau lễ rước mà thực hiện vào buổi chiều cùng ngày khi có đủ lực lượng bảo vệ.

Là điểm đến tâm linh nổi tiếng của cả nước nên ngay từ những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, chùa Hương đã đón hàng chục nghìn lượt du khách. Chỉ riêng 3 ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3 tháng Giêng), lượng khách đổ về hành hương, vãng cảnh đã lên tới hơn 70 nghìn người và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ chủ động ở tất cả các khâu mà đến nay Ban Tổ chức lễ hội chưa phát hiện cũng như chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ du khách về những vấn đề nảy sinh trong khu vực lễ hội.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho hay: "Chủ nhân của 318 gian hàng, dịch vụ đã ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh, không treo móc thịt động vật tươi sống; không quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống, chế biến động vật hoang dã trong không gian lễ hội...". Năm nay, việc kinh doanh ở nội tự, sân, cổng các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc khu vực sâu không an toàn… sẽ bị nghiêm cấm.

Ban Tổ chức cũng bố trí hơn 4 nghìn đò cùng đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác để phục vụ du khách trên suối Yến. Từ mùng 1 Tết, lực lượng ứng trực bảo đảm an ninh, trật tự lễ hội đã thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo huyện, số điện thoại Ban Thường trực lễ hội để du khách liên lạc trực tiếp khi có nhu cầu phản ánh.

Giữ vẹn nguyên giá trị lễ hội

Cùng với lễ hội đền Gióng, lễ hội chùa Hương, nhiều lễ hội khác trên địa bàn thành phố cũng đã lên kế hoạch, triển khai công việc tổ chức lễ hội từ rất sớm. Lễ hội kỷ niệm 1979 năm Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (40-2019) đã sẵn sàng cho các nghi lễ truyền thống, gồm: Dâng hương, rước kiệu và tế lễ cũng như các hoạt động diễn xướng dân gian, mô tả chiến tích oai hùng năm xưa. Lễ hội đền Cổ Loa tái hiện những nghi thức dân gian với màn rước kiệu Bát xã Loa Thành...

Bên cạnh việc lên kế hoạch tổ chức tốt các nghi lễ, các địa phương đặc biệt lưu ý tới việc phân luồng giao thông, tổ chức bãi gửi xe, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… phục vụ du khách. Các hoạt động: Bán ấn tín và các ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, ăn xin, cờ bạc trá hình, chèo kéo, ép giá, ăn mặc phản cảm, hầu đồng không đúng quy định… bị nghiêm cấm.

Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đã tổ chức gặp mặt đại diện các địa phương có lễ hội lớn, lễ hội dễ nảy sinh tiêu cực… bàn giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp; tham mưu với UBND TP Hà Nội lập đội kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thời gian trước, trong và sau lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc tổ chức kiểm tra lễ hội sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục suốt thời gian lễ hội diễn ra. Cơ quan quản lý kiên quyết “nói không” với hành vi bạo lực, phản cảm, biến tướng trong lễ hội. Những hiện tượng chèo kéo, ép giá, làm phiền du khách… cũng sẽ được xử lý nghiêm.

Sự ra đời của Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ với nhiều nét mới, như trao quyền tạm ngừng lễ hội cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo… sẽ tạo chuyển biến lớn cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo đảm lễ hội được tổ chức chất lượng, hiệu quả hơn.

Cùng với cả nước, một mùa lễ hội đang về trên địa bàn Thủ đô. Mong rằng, với những nỗ lực của cơ quan quản lý, chính quyền và nhân dân địa phương, mỗi người dân tham gia lễ hội hãy nêu cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội đúng nghĩa cao đẹp nhất. Có như vậy, mỗi lễ hội mới thực sự trở thành điểm đến tâm linh ý nghĩa, hấp dẫn, mang lại niềm vui và may mắn cho mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho mùa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.