Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội luôn là đề tài thời thượng

An Nhi| 10/02/2019 08:33

(HNM) - Nguyễn Văn Học ngoài làm nghề báo (hiện công tác tại Báo Nhân Dân), anh còn là nhà văn triển vọng đã có hơn chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết, không kể thơ, mà nhiều trong số đó viết về Hà Nội.

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Học


- Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ngoại thành (huyện Phú Xuyên), rồi bươn chải nhọc nhằn ở phố phường, hai vùng đất ấy của Hà Nội đã tác động vào ngòi bút của anh như thế nào?

- Phải khẳng định, tôi lưu giữ ký ức rất tốt về làng quê mình. Đó là vùng đất đã nuôi dưỡng ước mơ, tạo cho tôi ham muốn cầm bút, từ việc chắp nối những vần thơ nhỏ, những bài tản văn giản dị đến cả những truyện ngắn đầy trăn trở về cuộc sống nông thôn. Năm 2000, tôi ra phố mưu sinh, học tập, sáng tác, mang theo cả sự mộc mạc nơi làng quê ấy. Tôi tiếp nhận không khí phố phường, sự phát triển cả trong đời sống kinh tế, văn hóa của Thủ đô, để tạo thêm cho tôi kinh nghiệm viết những bài tản văn, rồi truyện ngắn và sau đó là tiểu thuyết dài hàng trăm trang. Giọng văn của tôi thiên về hiện thực, ngồn ngộn đời sống xã hội, môi trường, văn hóa. Ký ức về những gian khó của vùng quê mình, sự vất vả của bản thân đã trở thành tài sản, là động lực để tôi có thể viết sinh động hơn, đa thanh hơn.

- Anh giới thiệu đôi chút về các tác phẩm của anh và hình ảnh Hà Nội trong đó?

- Đầu tiên phải kể đến tiểu thuyết “Những cô gái bất hạnh”. Khi viết cuốn này tôi còn chưa thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), nhưng tôi đã được tiếp cận với một phần giới trẻ và lối sống của họ ở thành phố. Đó là lối sống thực dụng, ưa hưởng thụ, thích quậy phá. Thực tế thì ở nhiều thời kỳ, giới trẻ luôn phải đối mặt với cạm bẫy. Ở những con ngõ, khu dân cư, khu nhà trọ, nhiều sinh viên ngoại tỉnh về trọ học. Họ góp phần hình thành sắc diện của đời sống thành phố. Tiếp đó là tập truyện ngắn “Người đàn bà đứng khóc”. Đây cũng là đề tài xã hội, nhưng những bi kịch, mâu thuẫn, khát vọng của mỗi nhân vật được tô đậm hơn. Hay tập tản văn “Hoa thở”, gồm 50 tản văn đã được in trên các báo, dạt dào cảm xúc về Hà Nội với những góc phố, đường hoa, cánh chim, nếp nhà cổ, cánh đồng, con đê, cánh diều và cả nỗi niềm của những gương mặt thiếu nữ xinh xắn hòa trong nếp ăn ở của người Hà Nội...

- Với anh, một nhà văn trẻ viết về Hà Nội có khó không và anh trăn trở những gì?

- Phải nói rằng, Hà Nội luôn là đề tài thời thượng cho không chỉ nhà văn, nhà thơ mà cả giới văn học, nghệ thuật nói chung. Cảm giác như kho cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Tất nhiên, viết hay về Hà Nội là rất khó. Đã có quá nhiều người viết về Hà Nội và có lẽ vẫn tiếp tục. Mỗi nhà văn tài hoa đều biết chọn cho mình một góc, một khía cạnh khai thác để có thể cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm hay. Là người viết về Hà Nội trong quá trình đô thị hóa mau lẹ, thành phố cũng đang tích cực xây dựng đô thị thông minh với những thách thức lớn, tôi luôn trăn trở làm sao tôn bồi giá trị, gìn giữ nét đẹp, bản sắc của mảnh đất văn hiến, đóng góp tiếng nói xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.

- Anh đang viết một cuốn sách về Hà Nội nữa. Lần này anh đi sâu vào vấn đề gì?

- Đó là tập truyện ngắn xoáy sâu vào đề tài môi trường. Trong đó, những cây cổ thụ, cánh chim, cơn gió, hay cây đàn… là nhân vật chính, là thực thể đứng ra kể chuyện. Đó chẳng những là cách kể mới, mà còn tạo ra hiệu ứng cảm xúc khá tốt. Nhà xuất bản Hà Nội sẽ in và phát hành cuốn đó trong năm nay. Tôi hy vọng đó cũng là một dấu ấn của mình khi tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội luôn là đề tài thời thượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.