Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội Cổ Loa 2019: Tìm về những giá trị cổ xưa

Hoàng Lân| 10/02/2019 12:19

(HNMO) - Sáng 10-2 (mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội Cổ Loa khai hội tại đền thờ An Dương Vương (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).

Lễ hội Cổ Loa khai hội

Các đoàn rước chuẩn bị các nghi thức từ sáng sớm.


Từ tờ mờ sáng, người dân thuộc 8 đoàn (bát xã) đã tề tựu đông đủ trước cửa đền để chuẩn bị nghi lễ rước lễ vật vào đền thờ vua An Dương Vương. Đó là các đoàn: Cả Quậy (xã Liên Hà), Văn Thượng (xã Cổ Loa), Mạch Tràng (xã Cổ Loa), Sằn Giã (xã Cổ Loa), Ngoại Sát (xã Xuân Canh), Đài Bi (xã Uy Nỗ), Cầu Cả (xã Cổ Loa), Thư Cưu (xã Cổ Loa). Các đơn vị rước kiệu rồng, lễ vật vào sân đền để cung tiến, tế lễ đức vua.

Lãnh đạo địa phương và các đại biểu dâng hương.

Đại diện cao niên của làng đánh trống khai hội.


Hòa vào dòng người dự hội, cụ Nguyễn Văn Thiêm (92 tuổi, là một trong 14 cụ cao niên nhất của 8 đơn vị), cho biết, Lễ hội Cổ Loa những năm gần đây được tổ chức thường xuyên. Cụ Thiêm nằm trong số ít các bô lão của làng được mặc áo the đỏ dự hội. Theo cụ, chỉ những người nào cao niên, trên 80 tuổi mới được mặc áo đỏ, người từ 70 tuổi mặc áo màu xanh, còn ít tuổi hơn nữa thì mặc áo the đen.

Cụ ông Nguyễn Văn Thiêm.


Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, di tích Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quý giá và độc đáo, những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Nơi đây 2 lần là kinh đô nước Việt và trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử, năm 1962, di tích Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2012, di tích Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Các đoàn vào tế lễ.

Ông Lê Trung Kiên cho biết, thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn và phát triển khu di tích Cổ Loa như: Thực hiện các giải pháp theo Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận và 12 đề án thành phần; trực tiếp bảo vệ các vòng thành đất cổ, các công trình tưởng niệm; bảo vệ, giữ gìn và kế thừa có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, những lễ tục quý báu của cha ông để lại, nhất là những lễ thức của lễ hội Cổ Loa, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương khi về trẩy hội, phát huy giá trị, nâng cao vị thế của di tích Cổ Loa trong thời kỳ mới.

Lễ hội Cổ Loa sẽ kéo dài đến ngày 16 tháng Giêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Cổ Loa 2019: Tìm về những giá trị cổ xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.