Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày thơ Việt Nam 2019: Cuộc hội ngộ Đông - Tây

Hoàng Lân| 13/02/2019 15:32

(HNMO) - Chiều nay (13-2), Hội Nhà văn Việt Nam thông tin về Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII- Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019.

Ngày thơ Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 15 đến 21-2 (tức từ ngày 11 đến 17 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động tổ chức đồng thời tại 3 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là sự kiện “ba trong một” với nhiều hoạt động diễn ra tại 3 tỉnh, thành phố (ảnh minh hoạ).


200 đại biểu quốc tế đến Ngày thơ Việt Nam

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày thơ Việt Nam 2019 là sự kiện văn học “ba trong một”, bao gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV; Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII.

Theo đó, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III là sự tiếp nối của Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, được phát triển rộng quy mô với sự tham gia của đại biểu nhiều nước trên thế giới. Ban tổ chức cho biết, sẽ có hơn 200 đại biểu nước ngoài đến từ 50 nước trên thế giới tham dự, gồm những nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu tiêu biểu cho nền văn học đương đại của các nước.

Ngày 16-2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ hội thảo về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Buổi chiều cùng ngày, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham dự cuộc giao lưu và đọc thơ với sinh viên Việt Nam, với chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca”.

Ngày 17-2 (tức ngày 13 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về biên cương Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019). Buổi tối, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức Dạ hội thơ quốc tế tại Văn Miếu.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.


Tối 18-2, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế. Ngày 19-2, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20-2 tại Hà Nội.

Cơ hội quảng bá văn chương Việt Nam

Ban tổ chức cho biết, năm nay Ngày thơ Việt Nam không khai mạc vào ngày rằm tháng Giêng như truyền thống mà dời sang tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, vì đó là ngày nghỉ cuối tuần, những người yêu thơ sẽ có điều kiện tham dự sự kiện văn chương này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn. Từ nhiều năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã quảng bá, tuyên truyền văn học Việt Nam ra thế giới, nhưng lần này là việc quảng bá văn học Việt Nam với quốc tế một cách bài bản và kỹ lưỡng hơn để thế giới biết đến nhiều hơn về Việt Nam thông qua hoạt động thơ ca.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, buổi khai mạc Ngày thơ Việt Nam hướng tới việc kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với chủ đề “Sông núi trên vai” sẽ có nhiều chủ đề để các nhà thơ thể hiện tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Bên cạnh những bài thơ thể hiện tinh thần dân tộc, trách nhiệm của các nhà thơ với công cuộc bảo vệ Tổ quốc còn có nhiều mảng thơ về quê hương, tình yêu, thơ dịch…

Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong dịp này sẽ biên soạn 3 ấn phẩm: Khái quát 10 thế kỷ văn học Việt Nam, Tuyển tập thơ Việt Nam và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại. “Các ấn phẩm này sẽ như cẩm nang để những người yêu thơ ca Việt Nam cũng như các đại biểu quốc tế có cái nhìn khái quát về lịch sử văn học Việt Nam”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày thơ Việt Nam 2019: Cuộc hội ngộ Đông - Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.