Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay vì dâng sao giải hạn, hãy thiện tâm ứng xử tốt với mọi người

Hoàng Lân| 14/02/2019 18:50

(HNMO) - Tháng Giêng, nhiều người thường đến chùa làm lễ cúng sao, với hy vọng việc này sẽ giúp giải hạn, tránh những điều không may đến với mình và người thân...


Cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật

Vào tối 12-2 vừa qua (tức ngày 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019), hàng nghìn người đã tới một ngôi chùa lớn thuộc quận Đống Đa, Hà Nội để làm lễ cúng sao giải hạn, gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông. Phía trong chùa không đủ chỗ, “biển người” ngồi tràn ra lòng đường, đứng trên cầu vượt, thậm chí ngồi ở giải phân cách để khấn cầu. Lực lượng công an, bảo vệ phải căng mình để bảo đảm trật tự và an toàn giao thông.

Nhiều người dân ngồi tràn ra đường để tham dự lễ dâng sao giải hạn.


Điều đáng nói là hiện tượng này lặp đi lặp lại vào mỗi dịp đầu năm mới, không chỉ tại ngôi chùa trên mà còn ở nhiều điểm thờ tự khác.

Chẳng biết từ bao giờ, người dân truyền tai nhau quan niệm người bị sao xấu (Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô…) chiếu mệnh sẽ gặp xui xẻo cả năm, mất mát của cải, ốm đau, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng. Không ít người cho rằng, gặp sao xấu thì đầu năm mới phải làm lễ cúng sao để giải hạn, loại trừ tai ương. Vì thế, sau Tết Nguyên đán, ngày càng có nhiều người đổ về các điểm thờ tự để sắm lễ, cúng sao giải hạn. Việc người dân đổ dồn đến các chùa cúng sao không chỉ gây tốn kém về thời gian và tiền bạc, mà có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông. Quan trọng hơn, việc thực hiện nghi thức tôn giáo do thiếu hiểu biết đã làm lan truyền niềm tin mù quáng, không đúng với quan niệm Phật giáo.

Nói về hiện tượng người dân đổ xô đi cúng sao giải hạn đầu năm, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Phật giáo quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày, tháng đẹp, xấu trong năm. Việc người dân cúng sao giải hạn đầu năm xuất phát từ vấn đề tâm lý cá nhân, rồi dần hình thành quan niệm không đúng, thậm chí là mê muội.

Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lý giải, cúng sao giải hạn không phải là tín ngưỡng Phật giáo nhưng nhiều người lại đặt niềm tin vào việc này. Nhà chùa mong mỏi người dân thành tâm làm việc thiện, đó mới thật sự là việc làm tạo phúc lộc cho mình.

Hãy sống hướng thiện

Thực tế, niềm tin thực hiện nghi thức cúng sao có thể giúp giải được tai ương, xui xẻo đã khiến nhiều người bỏ không ít tiền bạc để làm lễ cúng sao “hoành tráng”. Hiệu quả giải hạn đến đâu chưa rõ, chỉ biết hệ luỵ từ những khoản chi tốn kém cho việc soạn lễ, bỏ thời gian chôn chân tại cơ sở tín ngưỡng là có thật. Hơn tất cả, việc làm thiếu hiểu biết nói trên đã khiến cho nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm bị méo mó.

Trong một lần trả lời HNMO, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, cho rằng, đạo Phật thể hiện rất rõ luật nhân - quả, rằng người làm điều thiện, điều tốt ắt sẽ nhận được những điều tốt đẹp cho bản thân; còn ngược lại, ai làm điều xấu sẽ gặp điều không hay. Phật giáo luôn khuyên răn con người sống tu nhân, tích đức, hướng thiện - đó mới là cái gốc để cuộc sống của mỗi người được tốt đẹp hơn.

Giáo sư Trần Lâm Biền.


Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng thẳng thắn cho rằng, quan niệm cúng sao giải hạn mà nhiều người đang tiến hành thể hiện sự ngộ nhận.

“Thay vì dâng sao giải hạn, không gì tốt hơn bằng việc ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức đúng, làm việc thiện thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn”, Giáo sư Trần Lâm Biền nói.

Hiện nay, bên cạnh số người ngộ nhận, đặt niềm tin vào việc cúng sao giải hạn, cũng có rất nhiều người bày tỏ quan điểm khác hoàn toàn về việc này. Chị Bùi Thu Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hiểu đúng luật nhân - quả thì chỉ cần sống thiện, hành thiện, tích đức thì hạn lớn thành nhỏ, hạn nhỏ thành không. Hiểu không đúng vấn đề thì việc gì cũng có thể khiến con người ta rơi vào nỗi sợ hãi, thấy ai làm gì cũng phải làm theo, không làm thì lo. Như việc đốt vàng mã cũng thế, sáu năm nay tôi không đốt mà cuộc sống của tôi vẫn diễn ra tốt đẹp”.

Quan niệm cúng sao giúp giải hạn rõ ràng đang có tính lan truyền mạnh, khiến cho không ít người lầm tưởng, cứ năng cầu cúng là có thể loại bỏ mọi tai ương. Đã đến lúc mỗi người cần nhận thức đúng về nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm, hiểu rõ giáo lý Phật giáo để có tâm thế đi lễ đúng mực, luôn thanh thản để bước vào một năm công tác, lao động, học tập hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay vì dâng sao giải hạn, hãy thiện tâm ứng xử tốt với mọi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.