Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ vẻ đẹp cho tác phẩm mỹ thuật

An Nhi| 10/03/2019 08:27

(HNM) - Tác phẩm mỹ thuật dù được sáng tạo tốt, nhưng nếu không biết gìn giữ, bảo quản và tu sửa thì giá trị của chúng sẽ giảm đi theo năm tháng. Ở nước ta, những người làm nghề bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật không nhiều và còn gặp khó khăn.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thuật trong quá trình tu sửa bức tranh Vịnh Hạ Long.


Đã có nhiều tiến bộ

Chứng kiến 4 tác phẩm có ý nghĩa quan trọng của Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện bảo quản, tu sửa thành công để bàn giao cho nước bạn mới thấy hết nỗ lực và sự tiến bộ của đội ngũ làm công việc gian khó này của nước ta.

4 tác phẩm "Chân dung Lênin" (gỗ ép), "Chân dung Fidel Castro" (giấy), "Vịnh Hạ Long" (lụa), "Chân dung Hoàng thân Souphanouvong" (sơn dầu) đều là những tặng phẩm của nguyên thủ các quốc gia tặng các lãnh tụ Lào, được Quyền Trưởng ban phụ trách Bảo tàng Kaysone Phomvihane Sing Thong Sing Ha Păn Nha nhận định đã được phục hồi gần như nguyên vẹn.

Ông Sing Thong Sing Ha Păn Nha bày tỏ cảm phục trình độ và cách làm việc khoa học, tận tâm của các cán bộ Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Đây cũng là lần đầu tiên, các cán bộ này thực hiện nhiệm vụ tu sửa tranh cho đối tác nước ngoài.

Là người trực tiếp thực hiện tu sửa bức tranh lụa "Vịnh Hạ Long" của họa sĩ Trần Đông Lương, họa sĩ Nguyễn Văn Thuật cho biết, tác phẩm này đã bị hư hỏng rất nặng, tranh bồi thẳng lên tấm gỗ, chân vải mục và nhòe màu... Họa sĩ đã mất nhiều tháng để nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình trạng tác phẩm, đưa ra phương án được phê duyệt, rồi mới tiến hành tu sửa.

Để đạt được tiến bộ và thành công bước đầu như vậy là sự nỗ lực lớn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật. Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, bảo tàng hiện lưu giữ gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, trong đó có bộ sưu tập tác phẩm của các thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ kháng chiến. Do khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với điều kiện bảo quản thời chiến khó khăn, nên một lượng lớn tác phẩm sưu tầm về đây bị hư hỏng, bong tróc, nứt vỡ... cần được tu sửa.

Năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật trên cơ sở Tổ Trang trí, Phục chế, trở thành nơi có chuyên môn tốt nhất về công tác này ở trong nước. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm có giá trị, bị hư hỏng nặng vẫn phải mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ tu sửa.

Điển hình như bức tranh "Em Thúy" (Trần Văn Cẩn) có sự hỗ trợ của các chuyên gia Anh. Tranh sơn mài "Nam Bắc một nhà" (Nguyễn Văn Tỵ), "Hội chùa" (Lê Quốc Lộc) do chuyên gia từ Mỹ giúp đỡ tu sửa. Bức "Mẹ con" (Lê Thị Kim Bạch), "Uống rượu cần" (Kà Kha Sam) có sự phối hợp phục chế của các chuyên gia Đức...

Cùng với đó, các chuyên gia nước ngoài đã tập huấn và truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ, kỹ thuật viên của trung tâm. Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật Trần Dũng Tiến cho biết, với 11 cán bộ chuyên môn, trung bình mỗi năm trung tâm thực hiện bảo quản, tu sửa khoảng 100 tác phẩm mỹ thuật, phần lớn là tranh lụa, tranh giấy, màu nước, sơn dầu, sơn mài... Nhiều tác phẩm giá trị và khó bảo quản của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Chù... đã được thực hiện tốt.

Đầu tư mạnh hơn

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, công việc bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật hiện nay ở nước ta đã có đầu tư và tiến bộ, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong nước chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này, trong khi hầu hết các cán bộ đều là họa sĩ, kỹ sư hóa học.

Điển hình là họa sĩ Nguyễn Văn Thuật, vốn tốt nghiệp hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Để thực hiện công việc tu sửa tranh, ngoài yêu thích, anh phải tìm đọc nhiều tài liệu của nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước và tự nghiên cứu, mày mò.

"Việc tu sửa đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công hơn cả sáng tác một bức tranh. Làm sao để tìm được đúng chất liệu, màu sắc nguyên bản thời kỳ đó là thách thức lớn. Hơn nữa, người làm công tác này không được ghi danh. Cống hiến thầm lặng thế không phải ai cũng chọn dấn thân", họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.

Gắn bó với công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật 30 năm, ông Trần Dũng Tiến chia sẻ, hiện nhu cầu tu sửa, phục chế các tác phẩm mỹ thuật ở trong nước rất lớn. Vì vậy, muốn làm tốt hơn nữa việc này, trước tiên là phải mở trường lớp đào tạo chuyên ngành, hoặc tạo điều kiện để cán bộ, kỹ thuật viên trao đổi, học tập tại các quốc gia phát triển. Tiếp đó là đầu tư trang thiết bị hiện đại. Những công việc này không nhất thiết phải từ kinh phí của Nhà nước mà có thể kêu gọi xã hội hóa.

Thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã "bắt tay" rất hiệu quả với các tổ chức, cơ quan nước ngoài, góp phần cải thiện tác phẩm và nâng cao trình độ cán bộ. Điều cần thiết là phải có chính sách khuyến khích, đãi ngộ đối với những "mạnh thường quân" tham gia hỗ trợ, tài trợ hoạt động bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật.

Nếu có sự đồng bộ về nhân lực và trang thiết bị, vật tư, chắc chắn nhiều tác phẩm mỹ thuật trong nước sẽ giữ giá trị và vẻ đẹp lâu bền; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị nước bạn trong công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ vẻ đẹp cho tác phẩm mỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.