Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ thuật ứng dụng thúc đẩy công nghiệp văn hóa

An Nhi| 31/03/2019 07:18

(HNM) - Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết kế tốt sẽ góp phần xây dựng, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung và các sản phẩm mây tre đan sáng tạo. Ảnh: TTXVN


Chưa được phát huy, tận dụng

Mỹ thuật ứng dụng bao gồm các thiết kế đồ họa; thiết kế mỹ thuật đa phương tiện; thiết kế trang trí nội thất; thiết kế sản phẩm; thiết kế đồ chơi; thiết kế thời trang và phụ kiện; sản phẩm trên các chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải, tổng hợp... Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, hiện nay, mỹ thuật ứng dụng thâm nhập các lĩnh vực của đời sống, hầu hết sản phẩm tiêu dùng đều có yếu tố thiết kế mỹ thuật. Lĩnh vực này đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa của nước ta. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định, mỹ thuật ứng dụng là một phần của công nghiệp văn hóa đất nước và cần phát triển mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, mỹ thuật ứng dụng ở nước ta chưa được coi trọng đúng mức. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, các quốc gia phát triển coi mỹ thuật ứng dụng là ngành kinh tế tri thức và chú trọng đầu tư. Tại các trường chuyên nghiệp, trong 10 chỉ tiêu đào tạo thì có 8 chỉ tiêu là mỹ thuật ứng dụng và 2 chỉ tiêu là nghệ thuật tạo hình. Còn ở Việt Nam, họa sĩ thường được chú ý nhiều hơn nhà thiết kế mỹ thuật. Nhiều nghệ sĩ tạo hình tham gia các hoạt động mỹ thuật ứng dụng để nuôi nghề chính là hội họa. Họa sĩ Trần Khánh Chương lý giải: “Một bức tranh thường có giá trị cao, tác giả được ghi danh, trong khi một sản phẩm sáng tạo mỹ thuật ứng dụng có thù lao thấp, không mấy ai quan tâm đến tên tác giả. Nhưng nếu cứ giữ quan điểm như vậy thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không được dồn nhiều hàm lượng nghệ thuật và ngành này cũng khó bứt phá và trở nên chuyên nghiệp”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 80 cơ sở có đào tạo các ngành mỹ thuật. Mỗi năm có khoảng 9.000 sinh viên ra trường, trong đó, phần lớn thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Đây là nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào nhưng chưa được thúc đẩy và tận dụng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, trong 13.000 hội viên của Hiệp hội trên cả nước, số người hoạt động trong lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ chiếm lượng lớn. Nhưng hầu hết họ đều là thợ lành nghề, thợ lâu năm, chỉ sản xuất những mặt hàng truyền thống, đơn giản, ít tìm tòi, sáng tạo, áp dụng kỹ thuật mới.

Đề cao tính dân tộc, tính sáng tạo

Nhằm giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng tốt, đồng thời giúp xã hội hiểu hơn về tiềm năng, vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống và phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa phát động Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014-2019). Triển lãm dự kiến sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). Điều khác biệt của triển lãm mỹ thuật ứng dụng này so với triển lãm của những bộ, ngành khác, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, là đề cao tính dân tộc, tính sáng tạo, sự thân thiện với môi trường và khả năng đi vào đời sống.

Ông Lưu Duy Dần cho biết, các làng nghề thủ công, mỹ nghệ đang lâm vào tình trạng bế tắc về mẫu mã, cần được thổi những luồng gió sáng tạo để khơi thông. Triển lãm lần này là dịp để những người làm nghề phát huy sáng tạo, lòng tự trọng nghề nghiệp mà cải tiến sản phẩm.

Là người đã nửa thế kỷ sống với nghề mây tre đan, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở làng mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nêu thực tế, những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ của nước ta được khách hàng thế giới đánh giá cao phần lớn không còn là sản phẩm truyền thống mà đã có hàm lượng sáng tạo, chế tác, ứng dụng mỹ thuật, kỹ thuật mới. Ví dụ, với sản phẩm mây tre đan, khách hàng không thích những chiếc rổ, giỏ… thông thường mà chọn những tác phẩm như đèn, đàn, tranh… đan bằng kỹ thuật truyền thống, có họa tiết, hình ảnh, hoa văn đặc trưng của Việt Nam. Ở triển lãm tới đây, ông Nguyễn Văn Trung cho biết sẽ huy động các nghệ nhân trong làng nghề tăng cường ý tưởng sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới, không chỉ mong đoạt giải mà nhằm cải thiện mẫu mã mây tre đan hiện nay.

Nhận định sự kiện này là dịp để huy động sức sáng tạo cũng như thay đổi quan niệm về mỹ thuật ứng dụng trong cộng đồng, Tiến sĩ Đặng Mai Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đang cổ vũ và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thiết kế, sáng tạo. “Qua đây, các em sẽ hiểu thêm về ngành nghề của mình và những tiềm năng, yêu cầu phát triển trong tương lai, đồng thời có cơ hội việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, Tiến sĩ Đặng Mai Anh nhấn mạnh.

Nhu cầu của xã hội và nhân lực dồi dào đang là thuận lợi cho việc phát triển mỹ thuật ứng dụng. Cuộc triển lãm chuyên môn quy mô toàn quốc tới đây hy vọng sẽ đánh thức và thúc đẩy ngành này chuyển biến tích cực hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật ứng dụng thúc đẩy công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.