Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa đọc ngay từ luật

Hà Phong| 20/04/2019 07:57

(HNM) - Xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho thế hệ trẻ; hướng đến người đọc chứ không chỉ phục vụ quản lý; tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện hiện đại..., là mục tiêu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt ra ngay trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thư viện.

Bạn đọc nhỏ tại thư viện Trường THCS Phú Lương (quận Hà Đông). Ảnh: Hữu Tiệp


Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, rõ nhất là chưa bao quát được hết mọi vấn đề trong lĩnh vực này. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp năm 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp. Do đó, dự thảo Luật Thư viện được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng với mục tiêu tăng số người đọc sách, lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm, tạo lập môi trường khai thác, sử dụng tài liệu thân thiện.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, cơ quan soạn thảo đã bổ sung hành lang pháp lý tạo cơ sở nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực trong xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động thư viện được Nhà nước đầu tư theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chính sách hỗ trợ. Không ai khác, chính bạn đọc là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp hạng của thư viện. Đây cũng chính là động lực để phát triển các thư viện hiện đại, nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ...

Ủng hộ quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: "Ở nhiều nước, khi đến thăm các trường đại học, họ khoe thư viện của trường mình, bởi ở đó thể hiện trình độ, văn hóa và tri thức của tập thể nhà trường. Tại Việt Nam, hệ thống thư viện và hoạt động thư viện đã có thời kỳ phát triển rất mạnh, gắn với phong trào đọc sách của xã hội, nhưng gần đây dường như bị lãng quên. Nhiều thư viện xuống cấp, giải thể, sách bị bán ra ngoài theo giá "đồng nát". Các tổ chức, cá nhân sau khi mua được sách quý đã bán lại với giá rất đắt, thậm chí có cuốn sách được bán với giá hàng chục triệu đồng. Vì vậy, xây dựng và ban hành Luật Thư viện là cần thiết để tránh buông lỏng công tác quản lý và hoạt động thư viện".

Liên quan tới việc gây lãng phí trong cách đầu tư và quản lý thư viện hiện nay, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy nêu thực tế: Ở một số nơi, sách thư viện được đưa vào trụ sở UBND xã nhưng cửa thường xuyên bị khóa. Nhiều đầu sách ở thư viện vẫn còn giữ nguyên niêm phong suốt thời gian dài kể từ khi được cấp. Lại có tỉnh, huyện xây dựng thư viện rất đẹp, nhưng người đọc thì thờ ơ. Với lý do này, cần thêm một mục vào dự thảo Luật Thư viện để thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy thư viện phát triển. Đồng thời, thư viện truyền thống và thư viện điện tử phải phối hợp để thu hút người sử dụng dịch vụ.

Cùng chung quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các nước có trình độ công nghệ phát triển như Mỹ vẫn kéo được đông đảo độc giả sử dụng thư viện. Họ không tách bạch thư viện truyền thống và thư viện điện tử mà đan xen hai loại hình này, kéo người đọc đến với các đầu sách, tài liệu đa dạng đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí. Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hải, đây là mô hình Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu học hỏi để giúp cho việc hình thành mạng lưới thư viện, xác định rõ tính đặc thù, đối tượng của từng thư viện. Từ đó Nhà nước có chính sách tập trung, xây dựng những thư viện trọng điểm, phù hợp thị hiếu người đọc và tránh lãng phí.

Dự kiến, dự thảo Luật Thư viện sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, khai mạc tháng 5-2019 và thông qua tại kỳ họp thứ tám, tổ chức cuối năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa đọc ngay từ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.