Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý tưởng nhỏ, sức lan tỏa rộng

An Nhi| 26/05/2019 07:28

(HNM) - Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2019, lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, vừa khép lại với việc vinh danh hơn 100 học sinh, sinh viên tiêu biểu trong số hơn 536.000 người dự thi, đồng thời mở ra nhiều hành trình mới để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Các học sinh, sinh viên xuất sắc đoạt giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2019. Ảnh: Thụy Du


Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu Hoàng Thị Anh Thư, sinh viên lớp K49, Quản lý lữ hành 1, Khoa Du lịch, Đại học Huế:
Xây dựng tour tham quan thư viện

Trong quá trình công tác xã hội của mình, em đã may mắn được tham gia nhóm thực hiện dự án “Giá sách niềm tin” tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế và “Tủ sách di động” tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện trung ương Huế. Chúng em đã quyên góp và đem sách hay đến với các bệnh nhân cũng như người nhà của họ, phần nào động viên họ vượt qua đau đớn, khó khăn. Thời gian tới, em tiếp tục thực nghiệm ý tưởng “Library Tour” cho chính Khoa Du lịch - nơi em đang theo học.

Đây là chương trình do sinh viên năm thứ 2 của nhà trường lên kế hoạch và dẫn dắt sinh viên năm thứ nhất. Với những gì đã trải nghiệm, sinh viên cũ sẽ hướng dẫn sinh viên mới tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin thư viện của nhà trường, phổ biến các dịch vụ đi kèm, giới thiệu những cuốn sách quý, có giá trị cho quá trình học tập và nghiên cứu của các bạn trong năm đầu đại học. Quá trình này cũng kết nối các thế hệ sinh viên, sinh viên với cán bộ thư viện, đồng thời giảm tải công việc hướng dẫn cho cán bộ thư viện mỗi dịp đầu năm. Với vai trò Đại sứ văn hóa đọc 2019, em hy vọng sẽ cùng bạn bè tổ chức các chương trình tham quan thư viện và nhân rộng ý tưởng này tới các trường đại học khác trên cả nước.

Em Lê Thị Thanh Vân, lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận):
Tạo không gian đọc sách thân thiện

Muốn tạo được hứng thú trong việc đọc, cần lưu tâm đến yếu tố không gian đọc sách. Một không gian được bài trí khoa học, thân thiện dễ tạo cảm giác thích hòa mình của mọi người. Chính vì vậy, em sẽ thiết kế và thuyết phục các trường học xung quanh mình xây dựng “Thư viện xanh” cho học sinh. Thư viện ấy, ngoài chú trọng chọn lựa sách hay, bổ ích, phù hợp, hấp dẫn với từng lứa tuổi, còn phải có nhiều cây xanh (sẵn có hoặc trồng thêm), có hồ cá, ghế đá, xích đu để các em vừa đọc sách, vừa hòa mình vào thiên nhiên. Em sẽ tích cực chia sẻ với bạn bè và những em nhỏ tuổi hơn về kinh nghiệm đọc sách của mình. Chẳng hạn như việc em thường lập một biểu đồ đọc sách trong một tháng hoặc một năm, đánh dấu những cuốn sách hay, lượng người mình đã chia sẻ về cuốn sách ấy. Qua một năm nhìn lại, em thấy biểu đồ đọc sách của mình ngày càng cao, sức lan tỏa ngày càng nhiều, từ đó có thêm động lực đọc và làm nhiều việc có ý nghĩa hơn.

Em Đỗ Gia Ngọc, lớp 7A4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Lập các câu lạc bộ yêu đọc sách

Hiện tại, em thấy một số trường học đã có “Thư viện xanh” khá khang trang, nhưng các bạn đến đọc sách chưa nhiều. Vì vậy, em sẽ vận động các bạn đến không gian đó để đọc sách lúc rảnh rỗi, tìm và kết nhóm với những bạn yêu đọc sách, từ đó hình thành câu lạc bộ người yêu đọc sách ở lớp, trường, địa phương… Thông qua câu lạc bộ này, em sẽ khuyến khích các thành viên thường xuyên đến thư viện, nhà sách trên địa bàn để tìm đọc những cuốn sách hay, sau đó giới thiệu cho nhiều bạn bè khác cùng đọc. Trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chúng em kể cho nhau nghe về cuốn sách mình mới đọc, những câu chuyện hay, nhằm kích thích các thành viên khác tìm đọc.

Ngoài ra, chúng em còn xây dựng tủ sách nhỏ ở mỗi lớp học, khu dân cư, vận động mọi người đóng góp sách đã đọc để làm phong phú thêm. Trong thời đại công nghệ số, đọc sách điện tử cũng đem lại lợi ích không kém sách giấy. Do đó, em sẽ cùng các bạn trong câu lạc bộ xây dựng tủ sách điện tử, gửi địa chỉ sách điện tử vào trang Facebook cá nhân của bạn bè. Đây là cách dễ dàng để mọi người tiếp cận sách hay.

Học sinh Mai Minh Ngọc, lớp 4B, Trường Tiểu học Cổ Tiết (Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ):
Gia đình đọc sách, dòng họ đọc sách

Thật ý nghĩa khi những người thân yêu nhất của mình là ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em cùng nhau đọc sách, tìm hiểu kiến thức, trở nên gần gũi, thân thiết, tương thân, tương ái thông qua những cuốn sách trao đi, đổi lại. Chính vì vậy, mỗi gia đình, mỗi dòng họ nên có một tủ sách chung và em đã lập bản kế hoạch “Gia đình đọc sách, dòng họ đọc sách” để thực hiện ngay trong hè này. Em sẽ cùng ông nội vận động các gia đình trong họ hằng năm trích một phần quỹ ra mua sách để bổ sung vào “Tủ sách họ Mai”. Em xây dựng lịch đọc ở nhà thờ họ mình vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ hè - những dịp mọi người được nghỉ ngơi, có thể quây quần vui đọc sách. Em nghĩ rằng, sách quý càng quý hơn, nếu như nhiều người cùng được đọc và nhà thờ họ là địa điểm lý tưởng để mọi người cùng nhau trao đổi, chia sẻ sách.

Em cũng khuyến khích mọi người trong họ thưởng cho con cháu đạt thành tích cao trong học tập bằng sách, hoặc mừng tuổi đầu năm bằng sách. Với những kiến thức, câu chuyện đọc được từ tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, em thấy mình tự tin hơn khi đến trường, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động giới thiệu sách hay, sách mới đến bạn bè, thi kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý tưởng nhỏ, sức lan tỏa rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.