Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Những lát cắt trong "thành phố đáng sống"

Bảo Hân| 13/07/2019 10:55

(HNMO) - Cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Trần Tiến - người con của Thủ đô đã gửi gắm biết bao điều tươi đẹp trong ca khúc “Hà Nội những năm 2000” với "nhà cao vươn trong mây xanh”, "mọc thêm bao công viên xanh" nhưng vẫn nguyên những nét thơ với "trái sấu chín lăn lăn trên hè", "gió cuốn tóc liễu bay trên hồ"... Hà Nội bình yên, thơ mộng và đáng sống của thời khắc năm 2019 đã, đang hiện hữu đầy đủ và hơn thế nữa...

Cảm xúc từ trái tim thành phố 

Hồ Hoàn Kiếm đón nhiều nụ cười mỗi sớm mai khi những tia nắng rót qua tán lá, lấp lánh trên mặt nước màu ngọc phỉ thúy. Những giọt mồ hôi trên trán cùng điệu cười sảng khoái của người đi tập thể dục ven hồ hòa tan trong những dòng người vào ca sớm. Ở nơi “lắng hồn núi sông”, nhìn ra bốn phía từ hồ Hoàn Kiếm còn có hồ Văn, hồ Võ, hồ Ba Mẫu, hồ Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Ngọc Hà, hồ Tây và thêm nhiều hồ nhân tạo khác. Mỗi một hồ được ví như “lá phổi xanh” của thành phố, nơi đón nhận bình yên của người Thủ đô mỗi sớm mai và khi hoàng hôn về khép cửa.

Những hồ nước tự nhiên tạo cảnh quan đẹp, là thứ "đặc sản" của thành phố xanh.

Cây xanh cũng là một thứ “đặc sản” của thành phố. Kỷ niệm của mỗi người dân Thủ đô thường chẳng khi nào thiếu những mảng xanh che bóng mát, những sắc hương, sắc hoa và vị quả được ấn định cho những tên phố thân quen như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Phan Chu Trinh... Không chỉ làm duyên cho thành phố, mỗi gốc cây còn là nhân chứng sống, người bạn đồng hành cùng sự đổi thay của Hà Nội ngàn năm tuổi.

Sắc xanh của trời, của cây, của nước cộng hưởng lại thành sắc xanh của thành phố, biến ảo từ thâm trầm sang tươi mới sau 20 năm được vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”, để người dân được “yêu nhau trong thiên nhiên” như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến. 

Trong một lần diễn thuyết về chủ đề “Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống?”, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng, ngoài yếu tố cảnh quan, điều khiến một thành phố thật sự đáng sống còn được quyết định bởi ẩn chứa những thông điệp cảm xúc. 

Thành phố Hà Nội, với những nét chân thật, tự nhiên thấm đẫm từng góc phố, con đường, từng hàng cây, viên gạch... Tất cả đều mang hơi thở đồng cảm, yên bình, chạm đến tận cùng trái tim của mỗi người dân sống nơi đây. Và từ đó, sự gắn bó, sẻ chia, tình yêu nảy nở và được gìn giữ, dựng xây theo những cách riêng của từng người, đóng góp thêm những rung động đáng yêu cho Hà Nội. 

Thành phố chào ngày mới từ những công trình mang tầm vóc thế kỷ.

Với nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, đại diện cho lớp người Hà Nội trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử thì tình yêu, cảm xúc với Hà Nội là thứ tình cảm bản năng thuần khiết. Bởi Hà Nội với ông là chốn bình yên đi về mỗi ngày. 

“Một điều rất riêng của Hà Nội là sự bình yên tự nhiên mà không thể tìm được ở thành phố Hồ Chí Minh sôi động hay thành phố biển Đà Nẵng. Đơn cử như cùng một nếp nhà cổ, khu băm sáu phố phường, nơi cộng sinh của những con người “phố Hàng”, nơi nuôi dưỡng bao tâm hồn Hà Nội vẫn thật riêng, thật lý thú so với nếp nhà cổ Hội An hay những con phố cũ sôi động phương Nam”, nhà điêu khắc cắt nghĩa thông điệp cảm xúc theo lý lẽ của riêng mình. 

Thành phố thân thiện, bao dung để lại dấu ấn cho tất cả mọi người.

Hà Nội đặc biệt bởi đó là thành phố dành cho tất cả mọi người. Thành phố dung nạp tất cả bằng sự đa dạng, hấp dẫn. Mọi người đều có thể tìm cho mình một nơi bình yên trong mọi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chẳng cứ người Hà thành, ai về Hà Nội đều thích đến hồ Hoàn Kiếm, dạo quanh phố cổ hay xếp hàng chờ ăn bát phở nơi quán cũ, nhâm nhi cốc cà phê, trà đá bên vỉa hè... Đó là những cách để họ “thưởng thức” thành phố mà không cần bất cứ sự cầu kỳ về vật chất hay tiện nghi xa hoa nào. Và Hà Nội, khơi lên trong mỗi người những mạch sống yên vui từ những điều giản đơn như vậy...

"Nhiều người vẫn hay than vãn, chỉ sáng mùng 1 Tết mới tìm lại được một Hà Nội bình yên của ngày xưa hay Hà Nội giờ lắm xô bồ, bon chen... Rõ ràng, Hà Nội “ngõ nhỏ phố nhỏ” với “băm sáu phố phường” sau ngàn năm tuổi chất chồng lớp lang trầm tích văn hóa đế đô hào hoa, một nếp sống Tràng An phong nhã đang chịu nhiều biến động, thay đổi của thời cuộc. 

Quá trình đan xen nhiều nét tươi mới, hiện đại ấy dù đang cố đi theo nhịp hài hòa nhưng xung đột là khó tránh khỏi. Song, chúng ta chưa khi nào hết thấy những khía cạnh đáng yêu, đáng sống của miền đất này”, TS Đinh Đức Tiến, giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Định hình đô thị tương lai trong mạch yêu thương

Vẫn xoay quanh mạch cảm xúc, vị Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đặc biệt coi trọng mục đích của thiết kế đô thị đương đại. Đó không phải là việc tạo ra khối vật chất đơn thuần, mà là kiến tạo xã hội. Có nghĩa là các cộng đồng dân cư trong những đô thị hiện đại vẫn cần có sự yêu thương, chia sẻ với nhau. Tác giả của những bản quy hoạch, thiết kế cho thành phố đáng sống phải xuất phát từ chính việc phục vụ hữu ích nhất cuộc sống của cư dân thành phố. 

20 năm sau ngày vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội đang dần hiện thực hóa những quy chuẩn ấy. Quy mô và diện mạo đô thị của thành phố được mở rộng, thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh để bắt kịp nhu cầu của hơn 8 triệu dân. Bộ mặt đô thị đã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, với hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Việc quy hoạch, tổ chức không gian đô thị hợp lý đi cùng với việc chú trọng gìn giữ, cải thiện môi trường sống, thực hiện việc thu gom rác một cách bài bản, trồng mới và thay thế hơn một triệu cây xanh... đã mang đến cho Hà Nội sức sống mới hấp dẫn hơn.

Không phải là tác giả của bất kỳ bản vẽ mang tầm vóc lớn lao nào, song ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) luôn tâm niệm, với trọng trách được giao thì nhiệm vụ của mình gói gọn trong hai từ “hạnh phúc”. Trong câu chuyện đón khách, ông thân thiện và hóm hỉnh lý giải mục đích trồng một chậu cây có tên “hạnh phúc”, bởi ông mong muốn “người dân được hạnh phúc”.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại bộ phận 'một cửa' phường Dịch Vọng Hậu.

Có thể ví, Dịch Vọng Hậu là phường điển hình cho quá trình đô thị hóa từ làng lên phố đã có nhiều đổi thay phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của người dân. Địa danh duy nhất của Thủ đô ôm trọn gần 10 trường đại học và cao đẳng, nơi có làng cốm Vòng nổi danh cũng là nơi đi đầu về xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp thông qua vận động người dân vẽ bích họa trên các ngõ phố, biến nhiều điểm đen về rác thải thành vườn hoa... Đích thân ông chủ tịch UBND phường đi phát tận tay các bà nội trợ những chiếc túi làm từ vật liệu thân thiện với môi trường và “diễn thuyết” kêu gọi mỗi người hạn chế sử dụng túi ni lon, tránh gây thảm họa cho môi trường mai sau.

Hà Nội thêm những công trình mới, hiện đại và luôn chứa đựng những nét đáng yêu, đáng sống.

Chếch sang cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô, quận Thanh Xuân đúng với tên gọi trẻ trung nếu nhìn từ những công trình phúc lợi dân sinh đang ngày càng hoàn thiện. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu và những cộng sự của mình luôn ấp ủ và cố gắng làm mọi việc để biến địa bàn quận thành nơi đáng sống. Một trong những hướng đi đã thu được “trái ngọt” của quận là cải thiện dịch vụ hành chính công, xóa bỏ dần các thủ tục rườm rà để có thể phục vụ tốt nhất cho người dân. Thanh Xuân chính là quận đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm mô hình tổ dân phố văn hóa “5 không”: Không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và không vi phạm trật tự xây dựng. 

Sau 6 năm thành lập, ở quận Nam Từ Liêm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại kiên trì với phương châm hành động “5 biết”: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn. Quận đã gửi hàng ngàn “thư xin lỗi”, “thư cảm ơn”, “thư chúc mừng” hay “thư chia buồn” tới các tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết công việc hay khi mỗi gia đình có việc vui, việc buồn... Tập thể những người đứng đầu của quận luôn duy trì sự thân thiện, gần gũi và trách nhiệm với người dân từ những việc nhỏ nhất. Đáng mừng là, từ sáng kiến của quận, thành phố đang giao các sở, ngành nghiên cứu để nhân rộng. 

Nét tươi mới trong thành phố đáng sống.

Với cách vận động này, định hình đô thị Hà Nội tương lai, ngoài những nét văn minh, hiện đại, sẽ là thành phố đem lại nhiều cảm xúc yêu thương cho công dân của mình. Dù đang biến đổi không ngừng nhưng thành phố đáng sống vẫn giữ được hình hài, hồn cốt, làm nên “tâm hồn” riêng, để nơi đây không chỉ là nơi “đất ở”. Trái tim của cả nước mãi là nơi mọi con đường dẫn về, mọi bước chân du khách đều muốn ghé lại để cảm nhận, khám phá và yêu mến...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Những lát cắt trong "thành phố đáng sống"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.