Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm sức sống mới cho di sản Hà Nội

Hoàng Lân| 31/07/2019 11:43

(HNMO) - Một trong những cách để tăng thêm sức sống cho các di sản của Hà Nội đó là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ. Hiện nay, nhiều di tích của Thủ đô đã thành công khi mở những chương trình giáo dục di sản cho nhiều lứa tuổi.

Điểm đến của giáo dục truyền thống

Chương trình giáo dục di sản cho học sinh đã được thực hiện từ nhiều năm nay tại các khu di tích, di sản và mang đến hiệu quả nhất định. Năm nay, những hoạt động này tiếp tục là điểm nhấn trong hoạt động hè tại các di tích.

Hoạt động tại Di tích nhà tù Hỏa Lò.

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa kết thúc chương trình “Em học làm thuyết minh” trong sự hứng thú của nhiều phụ huynh và học sinh. Trải qua ba năm tổ chức, năm 2019, chương trình có thêm nhiều đổi mới, giúp các em thiếu nhi có những trải nghiệm tâm lý, rèn kỹ năng mềm. 

Em Đào Bích Diệp giành giải Nhất chương trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019 chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian sinh hoạt hè thú vị, thông qua các chủ đề của chương trình chúng em được học hỏi nhiều điều về giá trị cuộc sống, bài học về tình mẫu tử, tình đồng chí, lòng dũng cảm và giá trị của hòa bình hôm nay”…

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hoạt động giáo dục di sản được tổ chức thường xuyên tại Văn Miếu, không chỉ trong dịp hè mà còn trong năm học. Năm nay, Văn Miếu tổ chức các chương trình tìm hiểu về lịch sử, các kỳ thi Hương, thi Đình, thông tin về các danh nhân văn hóa, bia tiến sĩ… Các chương trình được phân ra làm nhiều lứa tuổi, từ bậc mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học… nên thu hút được đông đảo học sinh tham dự. 

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long từ lâu trở thành điểm đến quen thuộc của các đoàn học sinh, sinh viên. Việc mở ra nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm như: Em tập làm khảo cổ, tìm hiểu Tết truyền thống Việt Nam, kể chuyện lịch sử, giao lưu với các nhà sử học, nhà văn hóa, trải nghiệm trò chơi dân gian… luôn tạo được hứng thú cho học sinh. 

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, năm nay số lượng thanh, thiếu niên đến Hoàng thành Thăng Long tăng đột biến, khoảng 17.000 người. Nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội tổ chức đưa học sinh đến dâng hương tại Điện Kính Thiên, kết nạp đội viên, chào cờ…, di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa của thanh, thiếu niên Hà Nội.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Hà Nội, Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam... trong 3 tháng hè cũng tổ chức nhiều chương trình cho thiếu nhi như: Khám phá trò chơi dân gian của các dân tộc; cuộc thi “nét chữ, nết người”, tìm hiểu phong tục, tập quán các lễ hội của đồng bào dân tộc… đã thu hút được nhiều lứa tuổi học sinh đến tham dự.

Để di sản sống mãi 

Trong một lần trao đổi với HNMO, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, việc ban quản lý các di tích tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn mang tính giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết. “Những người trẻ phải hiểu lịch sử, hiểu truyền thống thì họ mới yêu và có ý thức giữ gìn, xây đắp các di sản của ông cha”, Giáo sư Lê Văn Lan nói.

Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến trong giáo dục di sản.

Theo tìm hiểu, ban quản lý các di sản, di tích trên địa bàn Hà Nội đang có những chiến lược lâu dài và bền vững để thu hút thế hệ trẻ. Tháng 9 tới, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ mở một gian dành riêng cho các hoạt động giáo dục di sản với mục đích đưa hoạt động này thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa học sinh tới tham gia, tìm hiểu các khóa giáo dục di sản. 

Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ, hè nay chị và con gái rất thích thú khi tham gia một số hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long. “Các chương trình giáo dục di sản ở các di tích, lịch sử rất bổ ích, đặc biệt là vào dịp hè vì các con có nhiều thời gian để tham gia hoạt động ngoại khóa. Tôi mừng vì sau khi tham gia, các con thêm yêu lịch sử, truyền thống của ông cha”, chị Lan cho biết.

Các di sản, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội lưu giữ những giá trị to lớn về truyền thống văn hóa. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị này trong cuộc sống hiện đại rất cần đến sự chung tay, hưởng ứng của những người trẻ. Vì thế, giáo dục di sản là việc làm cần thiết để di sản sống mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm sức sống mới cho di sản Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.