Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa kịch đi thi quốc tế: Đừng bỏ qua cơ hội tốt

Trà Giang| 22/08/2019 10:56

(HNMCT) - Lâu nay, công chúng thường chỉ quan tâm tới việc đem phim dự thi quốc tế mà không biết rằng sân khấu Việt cũng đang có những cơ hội rất rộng mở. Tuy nhiên, để có được thành quả ngọt ngào hơn ở sân chơi này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của từng nhà hát.

Vở kịch Đôi mắt vừa giành được 4 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang 2019.

Cơ hội rộng mở

Vở kịch Đôi mắt vừa mang đến kết quả đáng tự hào cho Nhà hát Kịch Hà Nội khi giành được 4 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang 2019. Bên cạnh giải thưởng dành cho vở diễn, NSND Tuấn Hải nhận giải thưởng dành cho đạo diễn, diễn viên Thanh Hương (vai bác sĩ Nga) nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất, diễn viên Mạnh Hưng (vai y tá Háp) nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. 

Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang - liên hoan sân khấu uy tín của Hàn Quốc, được tổ chức hằng năm ở thành phố biển Pohang - cũng là một trong những sân chơi quen thuộc của giới sân khấu Việt Nam.

Năm nay, Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang 2019 được tổ chức với quy mô khoảng 20 nước tham gia, trong đó có nhiều nền sân khấu lớn như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Trung Quốc... Hàn Quốc cũng là đất nước tổ chức rất nhiều liên hoan sân khấu mà Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia như Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn quốc tế Pohang, Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn Seoul...

Ngay sau khi cùng đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội trở về từ Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang, NSND Tuấn Hải lại hồ hởi cùng Nhà hát Cải lương Hà Nội dựng vở Đi tìm Đại vương với mục tiêu mang vở đi dự Liên hoan Sân khấu Bắc Kinh (Trung Quốc) vào cuối năm nay. Các liên hoan sân khấu quốc tế được tổ chức tại Trung Quốc cũng là một điểm đến yêu thích của giới sân khấu Việt Nam, đặc biệt là sân khấu Hà Nội.

Chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần, NSND Tuấn Hải rất tự tin với việc mang kịch Hà Nội, cả những vở truyền thống lẫn hiện đại, đi dự các liên hoan quốc tế, thi thố cùng nhiều nền kịch nghệ lớn trên thế giới: “Hầu như vở diễn nào của Hà Nội mang đi cũng được bạn bè thế giới ủng hộ nhiệt tình. Ban tổ chức các liên hoan thường dành cho đoàn Hà Nội những ưu ái đặc biệt, diễn suất mở màn hay những đêm quan trọng của liên hoan”.

Nổi tiếng là người năng động, từng mang đến nhiều cơ hội hợp tác quốc tế cho Nhà hát Tuổi Trẻ, ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Có rất nhiều liên hoan sân khấu được tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau, khu vực và thế giới. Có thể nói cơ hội ra thi thố ở nước ngoài với sân khấu Việt Nam hiện nay rất nhiều. Tham gia các liên hoan này mang đến rất nhiều giá trị: Tạo cơ hội cọ xát về nghề nghiệp để nghệ sĩ học hỏi kinh nghiệm trong dàn dựng, biểu diễn; cơ hội để tiếp cận những tác phẩm sân khấu đỉnh cao; khẳng định bản sắc riêng của sân khấu Việt Nam mang tính hội nhập với sân khấu thế giới khi mang những vở diễn mang tính quốc tế tham dự liên hoan”.

Cần chủ động nắm bắt

Tuy vậy, số lượng các đoàn nghệ thuật có khả năng tham gia các liên hoan sân khấu quốc tế lại chưa tương xứng với cơ hội đang có. So với điện ảnh, việc mang một tác phẩm sân khấu ra nước ngoài phức tạp hơn rất nhiều. Dù là tác phẩm nhỏ gọn thì thành phần sáng tạo cũng phải 5 đến 10 người, chưa kể trang trí, đạo cụ... Rào cản ngôn ngữ cũng đang dần được “làm mờ” nhờ kỹ thuật làm phụ đề nhưng lại khiến cho chi phí vở diễn bị đội lên. Rồi đặc trưng của nền sân khấu vẫn còn nặng những tác phẩm mang tính vùng miền, thiếu vắng những tác phẩm mang tính phổ quát, vươn tới những chủ đề nhân loại quan tâm...

Hơn nữa, hầu hết các liên hoan là sân chơi khẳng định trình độ nghề nghiệp chứ không mang yếu tố ganh đua giành huy chương như các liên hoan trong nước nên cũng khiến nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ không mấy mặn mà. Đó là những lý do chính vẫn đang “bó chân” sân khấu Việt.

Nhưng những khó khăn kể trên chỉ là “bề nổi” bởi chính việc tham gia các liên hoan sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho sân khấu. Điển hình như Nhà hát Tuổi Trẻ đã tìm thấy rất nhiều cơ hội để được đầu tư dàn dựng vở, đào tạo nghệ sĩ, đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng... thông qua các kênh đối ngoại, những kỳ liên hoan ở nước ngoài.

Nhà hát Tuổi Trẻ là Trung tâm ASSITEJ Việt Nam và là thành viên của Hiệp hội ASSITEJ thế giới (Hiệp hội Sân khấu dành cho thanh niên và thiếu nhi quốc tế). Nhiều năm qua Nhà hát Tuổi Trẻ đã đem các chương trình nghệ thuật phong phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc biểu diễn thành công ở các nước trên thế giới...

Bên cạnh đó, Nhà hát Tuổi Trẻ còn có truyền thống cộng tác dàn dựng tiết mục với đạo diễn của các nước, từ những vở như Chú ngựa gù (Liên Xô cũ), Chim sơn ca (Pháp), Đất và nước, Thi sĩ hủi, Khu vườn của các cô cháu gái (Australia), Thị Cóc (Pháp) đến Con trai tôi là một chú hổ, Sợi chỉ hồng (hợp tác với Hội đồng Anh tại Việt Nam)...

Gần đây nhất Nhà hát Tuổi Trẻ hợp tác với Nhà hát Không Tường (Nhật Bản) cùng dàn dựng và trình diễn vở kịch Cậu Vanya của A.P Chekhov, kết hợp với Viện Goethe tại Hà Nội dựng vở Truyện Kiều…

Từ thực tế hoạt động đó, ông Trương Nhuận cho rằng: "Lãnh đạo các nhà hát trong nước nên năng động, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà hát, sân khấu nước ngoài để có được những tác phẩm mang tính quốc tế, hơn nữa có thể có được những cơ hội lớn về đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực...".

Trong bối cảnh khó khăn của sân khấu trong nước hiện nay, việc hướng ra các liên hoan quốc tế có thể là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, đừng vì những khó khăn trước mắt mà bỏ qua cơ hội tốt!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa kịch đi thi quốc tế: Đừng bỏ qua cơ hội tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.