Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: 15 quận, huyện tham gia múa rồng quanh hồ Hoàn Kiếm

Hoàng Lân| 19/09/2019 15:33

(HNMO) - 15 quận, huyện sẽ tham gia Liên hoan múa rồng Hà Nội lần thứ 5-2019. Đây là một trong những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).

Liên hoan múa rồng Hà Nội 2019 sẽ diễn ra vào sáng 6-10 (ảnh minh họa).

Liên hoan múa rồng Hà Nội 2019 do Trung tâm Văn hoá thành phố tổ chức, sẽ diễn ra từ 8h30-11h30 ngày 6-10-2019 tại khu vực phía trước tượng đài ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Hàng Dầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức đã nhận được đơn đăng ký tham gia của 15 quận, huyện thuộc thành phố: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Trì và Ba Đình. Đây đều là những địa phương có đội rồng mạnh, từng tham gia nhiều hoạt động liên quan do địa phương và thành phố tổ chức. 

Theo Ban tổ chức, mỗi đơn vị tham gia sẽ mang đến liên hoan một chương trình được dàn dựng độc lập, sử dụng một hoặc nhiều con rồng kết hợp múa “tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phượng) để tạo thành một thông điệp cụ thể chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chương trình biểu diễn của các đoàn tham dự sẽ phô diễn được toàn bộ những nét đẹp, tinh hoa của bộ môn nghệ thuật múa dân gian đường phố này tới công chúng. 

Ban tổ chức sẽ trao tổng số 17 giải thưởng. Bên cạnh các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích, Liên hoan múa rồng Hà Nội 2019 còn trao các giải phụ: Giải con rồng thiết kế và trang trí đẹp nhất; giải sáng tạo nghệ thuật múa. Tổng giải thưởng tiền mặt là 65 triệu đồng. 

Sau khi liên hoan kết thúc, các đội rồng sẽ tổ chức diễu hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm để phục vụ công chúng.

Múa rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm dân gian, rồng là linh vật tượng trưng cho sự oai hùng, mạnh mẽ và linh thiêng. Hình tượng rồng gắn liền với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” của người Việt.

Đối với Thủ đô Hà Nội, nơi được mệnh danh là “Thành phố rồng bay”, hình tượng rồng lại càng gần gũi và thân thương hơn cả. Lựa chọn tổ chức Liên hoan múa rồng trong một ngày lễ lớn của Thủ đô cũng chính là cách để tái hiện lịch sử của dân tộc một cách sống động, đầy cảm xúc và tự hào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 15 quận, huyện tham gia múa rồng quanh hồ Hoàn Kiếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.