Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức không quên về lễ chào cờ đầu tiên khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng

Bài, ảnh: Hoàng Lân| 04/10/2019 12:49

(HNMO) - “Đúng 15h, một hồi còi dài từ Nhà hát Lớn ngân lên, cả Hà Nội hướng về phía Cột cờ Hà Nội. Bài “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên trong lịch sử được tung tay trên nền trời xanh thắm, mọi người sung sướng tự hào” - Đó là ký ức không thể nào quên trong trí nhớ của những chiến sĩ trong đoàn quân tiếp quản Hà Nội, vinh dự được tham gia lễ chào cờ đầu tiên vào Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 của 65 năm về trước.

Lễ chào cờ lịch sử lần đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 10-10-1954 (ảnh tư liệu).

Tự hào sắc cờ đỏ giữa trời thu

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) còn nhớ mãi buổi sáng lịch sử ngày 10-10-1954, khi cả 5 cửa ô rợp cờ hoa và sự hân hoan của nhân dân đón chào đoàn quân chiến thắng, trở về tiếp quản Thủ đô.

Đoàn quân tiến về Hà Nội trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân Hà Nội (ảnh tư liệu).

8h sáng, các chiến sĩ của các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo, trở về Thủ đô giữa một rừng cờ hoa chào đón. Đội hình bộ binh dẫn đầu tiến từ khu vực Mai Dịch, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi về khu vực Đồn Thủy.

Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Dẫn đầu đội hình này là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố. Tiếp sau là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308...

Chiếc xe chở bác sĩ Trần Duy Hưng đi trên các con phố của Hà Nội trong ngày giải phóng (ảnh tư liệu).

Theo lời kể của Trung tướng Phạm Hồng Cư, chiều 10-10-1954, lễ chào cờ lịch sử đã diễn ra tại sân vận động Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long). Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong, vòng ngoài, chật kín cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). 

Chiếc xe chở Thiếu tướng Vương Thừa Vũ tiến vào khu vực tổ chức nghi lễ chào cờ, ngày 10-10-1954 (ảnh tư liệu).

Các đại biểu trong Ủy ban Quốc tế tại sân Cột Cờ chiều 10-10-1954 (ảnh tư liệu).

Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hoàng Diệu. Chủ trì lễ chào cờ là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng. Mọi người trang nghiêm, tự hào nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ... Đó là giây phút hạnh phúc tuyệt vời với mọi người dân Thủ đô, thời khắc Hà Nội chính thức đón nhận cuộc sống thanh bình trở lại sau 9 năm kháng chiến gian khổ với biết bao mất mát, hi sinh...

“Giây phút lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội là khoảnh khắc mãi mãi không bao giờ quên đối với chúng tôi khi ấy. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa. Trong lòng ai cũng dâng tràn cảm xúc tự hào, vui sướng”, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhớ lại.

Đại đoàn bộ binh, pháo binh xếp hàng ngay ngắn, nghiêm chỉnh chuẩn bị làm lễ chào cờ (ảnh tư liệu)

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng trong lễ chào cờ.

Trong trí nhớ của ông Nguyễn Tiến Mạnh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, người vinh dự có mặt trong đoàn quân tham dự lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, giây phút chào cờ thiêng liêng ấy, ông cũng như bao người dân Thủ đô và các chiến sĩ có mặt đã rưng rưng lệ. Xúc động nhất là khi tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra trước máy phóng thanh, đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.

Khi bài hát "Tiến quân ca" vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội vào ngày 10-10-1954 (ảnh tư liệu).

"Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn kể ", lời kêu gọi của Bác được Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc bằng chất giọng trầm ấm.

“Đó là thời khắc vô cùng xúc động và thiêng liêng. Chúng tôi đã rơi lệ vì hạnh phúc”, ông Nguyễn Tiến Mạnh nhớ lại.

Ôn lại truyền thống qua nghi lễ chào cờ

Chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ôn lại truyền thống cách mạng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức chương trình “Ký ức mùa thu” vào sáng 6-10, trong đó điểm nhấn của chương trình chính là hoạt động tái hiện lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm.

Không gian tổ chức lễ chào cờ sẽ được thực hiện vào ngày 6-10 tới tại Hoàng thành Thăng Long.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử”. Sau đó, các nhân chứng, khách mời sẽ cùng thực hiện nghi lễ chào cờ tại sân Đoan Môn (đúng vị trí đoàn quân giải phóng đã thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô).

“Chúng tôi thực hiện nghi lễ chào cờ tại đúng vị trí của buổi chào cờ lịch sử cách đây 65 năm với mục đích để các nhân chứng, nhân dân cùng ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc. Những câu chuyện về đoàn quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô được các nhân chứng kể lại sẽ là những tư liệu lịch sử quý giá để mỗi chúng ta thêm khắc ghi và biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc”, bà Nguyễn Thị Yến bày tỏ.

Khu trưng bày "Hà Nội mùa thu năm ấy".

Ngoài ra, chương trình “Ký ức mùa thu” còn có trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy”. Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày giúp người xem hồi tưởng về Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), qua 9 năm nếm mật, nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng giải phóng Thủ đô...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức không quên về lễ chào cờ đầu tiên khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.