Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoảng lặng trong nỗi nhớ

Hoàng Ngân| 10/10/2019 09:25

(HNMCT) - Ngày 6-10, đúng ngày sinh nhật nữ sĩ Xuân Quỳnh, trên trang chủ Google xuất hiện logo mới với hình ảnh nữ nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam bên những cuộn sóng biển xanh gợi cảm nghĩ về những tác phẩm nổi bật của bà - như Sóng, Thuyền và biển. Niềm vui lớn giữa trời thu tháng Mười, trong vầng sáng hồi nhớ về một thời kỳ rực rỡ của nền văn nghệ cách mạng kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đặc biệt là từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), và chút lắng lại trước biết bao đổi thay.

Những năm tháng rực rỡ ấy...

Cho đến tối khuya ngày 6-10, những câu chuyện về cách vinh danh Xuân Quỳnh của Google vẫn chưa dứt trên mạng xã hội.“Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” (Sóng).

Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau - rạn vỡ/ Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố” (Thuyền và biển). “Mẹ đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/… Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” (Mẹ của anh)... Những vần đoạn thi phẩm như mới ngày nào chảy tràn trên mạng, mang theo nó sự thừa nhận rộng rãi về tài năng của một nữ sĩ mà theo cách ví von của nhà thơ Vũ Nho, có lẽ từ thời Hồ Xuân Hương tới nay mới thấy lại.

Chuyện về Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, bằng một cách nào đó, gợi lại ký ức về khoảng thời gian kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đặc biệt là từ Ngày Giải phóng Thủ đô trở lại đây, mang lại cảm giác hàm ơn vì bao người đã được tận hưởng những gì mà các văn nghệ sĩ mang lại cho đời, cả văn, thơ, nhạc, họa, phim ảnh, sân khấu..., chứ không chỉ có thơ.

Khi đó và nhiều năm sau, Hà Nội là sân khấu văn chương đích thực với những nhân vật hàng đầu như Vũ Bằng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Cù Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan... Nhiều người trong số họ thường viết về Hà Nội, lưu lại những tác phẩm đáng giá cho hậu thế nhìn vào đó để hiểu được Thủ đô một thời. Đó là Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ Mười hai (Vũ Bằng), Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Chuyện cũ Hà Nội (Tô Hoài), Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan)...

Tạm xa địa hạt văn chương, có thể cảm nhận được sức sống văn nghệ trong các lĩnh vực khác với những tên tuổi vang bóng một thời. Âm nhạc thì có Văn Cao với ca khúc Tiến về Hà Nội, Nguyễn Đức Toàn với Hà Nội một trái tim hồng, Nguyễn Đình Thi với Người Hà Nội...; hội họa có Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái; kiến trúc có Nguyễn Cao Luyện...

Với văn nghệ Hà Nội kể từ sau Ngày Giải phóng Thủ đô, cho tới những năm cuối thế kỷ XX, dễ thấy một nguồn mạch thông suốt về sáng tác. Đi qua chiến tranh, trở lại với cuộc sống thời bình rồi bước vào thời kỳ Đổi mới, Hà Nội vẫn là một đề tài nổi bật cho các văn nghệ sĩ khai thác, là nơi khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, văn nhân. Lần lượt xuất hiện Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Quang Dũng, Bằng Việt, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp... (văn học), Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Dương Thụ, Hồng Đăng, Phó Đức Phương, Phạm Tuyên, Trương Quý Hải... (âm nhạc), Đặng Nhật Minh, Hải Ninh, Bùi Đình Hạc... (điện ảnh), Phạm Thị Thành (sân khấu)...

Với âm nhạc, chỉ nói riêng mảng sáng tác ca khúc, những tác phẩm về Thủ đô được viết trong giai đoạn này như Em ơi, Hà Nội phố (Phú Quang), Một thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương), Hoa sữa (Hồng Đăng), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội (Phạm Tuyên), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)... đã xác lập vị trí trang trọng cho tác giả - tác phẩm trong lịch sử nền văn nghệ nước nhà.

Đánh giá về thành tựu văn học nghệ thuật trong hơn nửa thế kỷ kể từ Cách mạng Tháng Tám thành công và nhất là sau Ngày Giải phóng Thủ đô cho tới những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, dễ nhận ra rằng những tác phẩm có sức sống vượt thời gian xuất hiện nhờ tài năng, thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và tác giả đủ mẫn cảm, trí tuệ, sự đồng điệu để hiểu, để yêu Hà Nội. Ta thấy điều đó ở Sống mãi với Thủ đô, ở Miếng ngon Hà Nội, ở lối nghĩ “Ăn quà cũng là một nghệ thuật, ăn đúng cái giờ ấy, và chọn giờ bán ấy, mới là người sành ăn” của Thạch Lam, người nổi tiếng với tác phẩm Hà Nội 36 phố phường được xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám.

Nỗi lo có thật

Có lẽ là bắt đầu từ những ngày chuẩn bị tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), xuất hiện ý kiến cho rằng tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Hà Nội thiếu tác phẩm đỉnh cao. Tới năm nay, tròn 10 năm sau Đại lễ, nỗi trăn trở đó vẫn còn nguyên. Sân khấu vẫn loay hoay với bài toán “tìm” khán giả trong bối cảnh kịch bản hay, mới lạ về Hà Nội ngày càng hiếm. Chính kịch ì ạch, hài kịch đã tới độ nhàm, các loại hình nghệ thuật truyền thống lo tồn tại trước sức ép của các loại hình giải trí hiện đại... Hà Nội “nhạt nhẽo” hay lòng người đã bớt mặn mà? Văn học vẫn có tác phẩm về Hà Nội đáng đọc, nhờ cố gắng của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Bắc Sơn và một số nhà văn thuộc lớp sau họ, nhưng có thể nói là đã “đạt đỉnh” hay chưa?

Cuối năm ngoái, trong buổi lễ trao giải Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III, những người dự sự kiện đã không tránh được việc dùng từ “bình mới, rượu cũ” khi nhận xét về kịch bản các tác phẩm dự thi. Đánh giá về hiện tượng này, nghệ sĩ Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, điểm mấu chốt là sân khấu hiện nay đang thiếu kịch bản hay, thiếu những tác giả kịch bản tầm cỡ, luôn theo sát thời cuộc kiểu như Lưu Quang Vũ. Trong bối cảnh đó, như nhận xét của NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, hiện nay, rất khó hy vọng có được những vở diễn về đề tài Hà Nội đủ sức thu hút công chúng nếu không có giải pháp khả thi nhằm khai thông bế tắc trong vấn đề kịch bản.

Tình hình âm nhạc, đặc biệt là thanh nhạc, cũng không mấy sáng sủa. Những sáng tác giàu cảm xúc về Hà Nội, đủ sức chinh phục khán giả đã không còn xuất hiện thường xuyên như trước kia, thay vào đó là loại ca khúc được định danh “nhạc trẻ” với không ít bài hát được tạo nên nhờ sự cóp nhặt hoặc xa lạ với thẩm mỹ, văn hóa Việt Nam. Không còn nữa những ca từ làm lay động tâm trí người nghe, như Phú Quang đã có được ở Em ơi, Hà Nội phố nhờ tài năng Phan Vũ, như Phan Huỳnh Điểu “chớp mắt” đã có được Thuyền và biển nhờ Xuân Quỳnh.

Đó là chưa kể sự khó của điện ảnh, vốn không thiếu kịch bản và đạo diễn tốt nhưng không dễ giải quyết bài toán kinh phí làm phim...

Chiều 6-10, ngày Google vinh danh nữ sĩ Xuân Quỳnh, lãnh đạo thành phố Hà Nội có buổi gặp gỡ các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu, gửi gắm niềm hy vọng giới sáng tạo chung tay cùng thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đầu năm nay, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã phát động cuộc thi sáng tác về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). Cuộc thi không chỉ mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm ngày lễ quan trọng, mà hướng tới việc tạo thêm tác phẩm mới, giúp đời sống văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc, mỹ thuật thêm phần sôi động đồng thời kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội.

Thiếu tác phẩm chất lượng cao về đề tài Hà Nội là câu chuyện không còn mới. Khó khăn, sự đi xuống ở một số loại hình nghệ thuật không liên quan tới hiện thực cuộc sống với ý nghĩa là đối tượng phản ánh của văn học nghệ thuật, cũng không hẳn do khán giả ngày nay có thêm nhiều sự lựa chọn nên ghẻ lạnh với nghệ thuật truyền thống. Cơ sự phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm, với yếu tố quyết định là thái độ dấn thân của giới sáng tác và ý thức trách nhiệm trong lao động sáng tạo nhằm tạo nên nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Như đã thấy vào cuối tháng 8 vừa qua, khi giới trẻ Hà Nội nô nức kéo tới địa chỉ mang tên “Ơ kìa Hà Nội” để hưởng ứng chương trình hoạt động nhằm tưởng nhớ đôi vợ chồng thi nhân Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Những vần thơ, kịch bản đã không còn mới lạ, chỉ có tên tuổi tác giả gắn liền với những tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật mới đủ sức gọi mời khán giả đến với một sự kiện mà ở đó chỉ còn hình bóng người mà họ thương quý.

Như thường nói, đó là những tác giả - tác phẩm có sức sống vượt thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoảng lặng trong nỗi nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.