Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quang Dũng của một Tây Tiến khác

Vân Hạ| 10/10/2019 11:03

(HNMCT) - Nhắc đến nhà thơ Quang Dũng, người hâm mộ thường nhớ ngay đến chàng trai xứ Đoài của “đoàn binh không mọc tóc”, một thời “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Tây Tiến là một đỉnh cao trong đời thơ Quang Dũng với những thi ảnh thơ độc đáo và giàu âm điệu, khiến người ta “nghe như ngậm nhạc trong miệng”. Song phần lớn người hâm mộ không biết rằng Quang Dũng không chỉ nổi tiếng với một Tây Tiến mà còn nhiều thi phẩm khác, và ông cũng không chỉ có một Tây Tiến trong thơ mà còn có một Tây Tiến trong văn xuôi. Mới đây, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt một Tây Tiến phiên bản văn xuôi - Đoàn binh Tây Tiến. 

Cuốn hồi ký về Đoàn võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt cho bạn đọc được gặp một Quang Dũng rất khác ngoài thơ. Đó là một Quang Dũng đa tài, “đa di năng”, tận tụy với công việc qua nhân vật Trần Quang, người Đại đội trưởng vệ binh trí thức, làm công tác tuyên truyền, vận động bà con bằng những vần thơ, bức vẽ của mình, đem tiếng nói của kháng chiến đến với đồng bào các dân tộc sống trên những triền núi cao. Đoàn binh Tây Tiến cũng mang đến cho người đọc một bức tranh trọn vẹn và sống động hơn về đơn vị Tây Tiến anh hùng. Miêu tả chi tiết và rất cụ thể, sống động và chân thực, song ở Tây Tiến phiên bản văn xuôi, người đọc vẫn nhận ra những nét hào hoa, tinh tế trong từng quan sát và mỗi nếp nghĩ của chàng trai xứ Đoài, đặc biệt nhất là âm hưởng “nhớ về Hà Nội” vẫn luôn vang vọng đâu đó.

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay là Hà Nội). Sinh thời, những người quen biết với ông đều biết, Quang Dũng không chỉ làm thơ mà còn viết văn, vẽ tranh và sáng tác nhạc. Ông từng vẽ nhiều tranh phong cảnh, và đặc biệt là rất nhiều tranh ký họa. Còn gia tài văn xuôi của ông thì có số lượng “nhiều gấp mấy lần số trang thơ”, chủ yếu là truyện ngắn và bút ký về tình yêu cuộc sống, con người và quê hương đất nước như: Mùa quả cọ, Nhà đồi, Chim sâm cầm hồ Tây, Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì, Đường lên Châu Thuận, Một chặng đường Cao Bắc...

Năm 1950, tập truyện ngắn Mùa hoa gạo của ông được xuất bản, sau đó là các tập bút ký Rừng về xuôi, Đường lên Châu Thuận, Một chặng đường Cao Bắc, truyện thơ Bài thơ sông Hồng, truyện ký Nhà đồi. Chính tập Nhà đồi cùng với tập thơ Mây đầu ô đã mang về cho nhà thơ Quang Dũng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Chỉ tiếc là, khi ấy nhà thơ đã mất được 13 năm vào một ngày tháng 10-1988 sau một thời gian dài bị bệnh.

Quang Dũng sau này, được nhiều người ví là “bóng mây qua đỉnh Việt”, giống như chính câu thơ của ông từng viết: “Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt/ Mà như lau sậy có linh hồn”. Mà không chỉ trong bài thơ Pha Đin này, hình ảnh của bóng mây mới xuất hiện trong thơ Quang Dũng. Thi sĩ đã từng “Thức với mây Đoài trắng xóa”, từng “Đi trong đường mây rắc bụi vàng”, từng ngắm “Mây ở đầu ô mây lang thang”, và đến cả bản thân nhà thơ cũng “Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua”.

Ngay trong bài thơ nổi tiếng Tây Tiến là hình ảnh mây vô cùng độc đáo “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, hay đặc biệt nhất là ông đã “định danh” cho quê hương ông “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” khiến “mây trắng xứ Đoài” trở thành cụm từ hay được nhắc đến sau này. Cái tài thơ của Quang Dũng là thế, ông đã “đóng đinh” nhiều tên đất, tên miền khiến cho những địa danh ấy trở nên mỹ cảm hơn qua từng dòng thơ ông viết. Đó là “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, là “Trời xanh không thấy bóng Ba Vì”, là “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”, là “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc”, và rất nhiều địa danh thơ trong Tây Tiến với “Pha Luông mưa xa khơi”, “Châu Mộc chiều sương ấy”, “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”…

Quang Dũng làm thơ khá sớm. Trong những tác phẩm thơ để lại có bài Chiêu quân được sáng tác năm 17 tuổi, nhưng tận đến khi cuối đời, lúc phải nằm trên giường bệnh ông mới in tập thơ riêng Mây đầu ô (năm 1986, trước đó, năm 1957, ông in chung tập thơ Rừng biển quê hương với người bạn thân Trần Lê Văn). Một phần là bởi Quang Dũng cũng có “cái tài” không lưu tâm giữ tác phẩm của mình. Ông như bóng “mây phiêu lưu, mây lang thang” vậy, hồn nhiên viết thơ trên từng bản thảo vương vãi hoặc trong sổ tay của các bè bạn. Thậm chí, có nhiều bài được ông viết lẫn cả vào sổ mua gạo, sổ ghi công việc của cơ quan... nên đã khiến không ít thơ bị thất lạc. Mây đầu ô có lẽ đã tập trung hầu hết tinh hoa thơ Quang Dũng. Nhiều thi phẩm được bạn đọc yêu thích như Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán bên đường, Đường trăng, Những làng đi qua, Những mùa xuân... trong đó, có một số bài thơ của ông càng trở nên nổi tiếng khi được phổ nhạc thành các bài hát Những mùa Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Em mãi là hai mươi tuổi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quang Dũng của một Tây Tiến khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.