Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hướng cách tân sân khấu

An Nhi| 13/10/2019 08:12

(HNM) - Tối nay (13-10), Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV Hà Nội năm 2019 khép lại, sau hơn một tuần cống hiến cho khán giả Thủ đô những tác phẩm đầy bất ngờ, táo bạo của 8 quốc gia. Không chỉ khán giả, giới nghề nước nhà cũng có cơ hội thử những sáng tạo mới và học hỏi bè bạn để tìm hướng cách tân sân khấu.

Có thành công và có thất bại

Liên hoan lần này có sự tham gia của 7 đơn vị nghệ thuật đến từ các nước: Hungary, Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hy Lạp. Chỉ có 2 quốc gia đã từng thử sức ở Việt Nam mùa trước, vì vậy, khán giả và người làm nghề nước nhà đương nhiên được hưởng lợi khi biết thêm những nền sân khấu khác trên thế giới. Nước chủ nhà Việt Nam tham gia khá đông đảo, với 14 đơn vị, ở nhiều loại hình sân khấu, gồm kịch nói, cải lương, múa rối, chèo, xiếc. Trong đó, có nhiều sân khấu xã hội hóa đang nổi bật.

Với chất liệu hiện đại, mới mẻ, vở kịch “Cậu Vanya” đã thu hút đông đảo công chúng và được đánh giá cao về chuyên môn.

Đặc biệt, ở đây, các đơn vị nghệ thuật đã đem đến những phép thử mới mẻ. Đầu tiên phải kể đến vở “Bpolar” (Israel) lôi cuốn khán giả suốt 60 phút, dù không lời thoại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái tâm đắc: “Người xem được thưởng thức bữa tiệc âm thanh, ánh sáng trên một sân khấu quay đơn giản mà hiệu quả”. Vở “Hai vạn dặm dưới biển” (Hàn Quốc) giống như đưa khán giả vào chuyến du hành thời gian từ quá khứ đến hiện tại, thông qua kết hợp sân khấu và công nghệ. Đoàn Hungary với “Tháng Tám” biến mọi lời thoại thành diễn xuất hình thể, là cách “giáo dục” về cuộc sống rất ngọt ngào, như lời nhà viết kịch Lê Quý Hiền…

Kỳ liên hoan lần thứ III cách đây 3 năm, giới nghề Việt Nam đặt mục tiêu là học hỏi cách tân sân khấu của các nước bạn. Quả thật, đến kỳ này, sân khấu Việt chuyển biến và tạo một số thành quả nhất định. Vở “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ) và vở “Sự sống” (Nhà hát Kịch Việt Nam) đều nhận được lời khen ngợi của người xem, bởi thử nghiệm hiệu quả, lay động.

“Cậu Vanya” chuyển thể từ kịch bản của nhà văn Nga Chekhov viết từ thế kỷ XIX, giải mã khéo léo câu chuyện từ hơn 100 năm trước bằng ngôn ngữ hiện đại, khiến người xem bị lôi cuốn vào những tình huống kịch, thậm chí lên tiếng cùng diễn viên.

“Sự sống” phá bỏ hoàn toàn quy tắc của một vở diễn truyền thống, sân khấu đơn giản, diễn viên trong trang phục giống nhau và liên tục đảo vai để truyền tải nội dung xuyên suốt. Đáng nói, hai tác phẩm này đều là sự kết hợp với các sân khấu uy tín của Nhật Bản. Trong đó, vở “Cậu Vanya” có sự tham gia của Nhà hát Không tường từng giành Huy chương vàng trong liên hoan lần trước. 

Vở “Nữ ca sĩ hói đầu” của Đoàn kịch LucTeam không có nội dung, nhưng lối diễn biểu tượng, ước lệ kết hợp sân khấu phương Đông và phương Tây, khiến người xem khó rời mắt. Là vở cải lương, nhưng “Nhật thực” của Sân khấu thử nghiệm - Nhà hát Thế giới trẻ (thành phố Hồ Chí Minh) đã lược bớt lời, đôi khi ca cải lương trên nền nhạc giao hưởng để khán giả quốc tế dễ cảm thụ. Xiếc “Hà Nội của những giấc mơ” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) biến những tiết mục độc lập thành một câu chuyện kịch mượt mà, đặc sắc.

Đã là thử nghiệm thì có thể thành công hoặc thất bại, kể cả các bạn quốc tế cũng như Việt Nam. Có tác phẩm bạn cất công đến Việt Nam, nhưng chuẩn bị chưa kỹ, nghiệp dư từ thiết kế sân khấu đến diễn xuất. Nhiều tác phẩm của ta vẫn kiểu thử nghiệm quen thuộc, như kết hợp các hình thức sân khấu kịch nói, múa rối, chèo, chầu văn…

Để kéo khán giả đến sân khấu

Làm thế nào để khán giả đến với sân khấu? Làm sao để sân khấu hiện nay cuốn hút như truyền hình, điện ảnh? Thử nghiệm là cách thức sáng tạo để đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên. Theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, mục đích của liên hoan là tiếp tục tìm cái mới, cái hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển ở kỷ nguyên số.

Kỳ liên hoan này chứng kiến sự xóa nhòa ranh giới giữa các nền sân khấu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Khuê cho rằng, cả sân khấu của ta và quốc tế đều được học hỏi, tiếp thu lẫn nhau. Đạo diễn Sri Santanu Das của Ấn Độ cho biết, trở về nước ông sẽ dựng một tác phẩm sân khấu thú vị, đầy tính tương tác như vở “Nhật thực” của Việt Nam. Đạo diễn Sri Santanu Das tâm sự: "Với những hiểu biết về các loại hình nghệ thuật truyền thống phương Đông, trong đó có cải lương, chèo, tuồng của Việt Nam, bây giờ tôi đã tìm được mấu chốt để hấp dẫn khán giả Ấn Độ từ các loại hình nghệ thuật khác".

Các nghệ sĩ Việt Nam không phải chưa nghĩ đến việc kết hợp giữa sân khấu với điện ảnh để tạo không gian mới, nhưng làm tận cùng và triệt để như đạo diễn Yoav Michaeli của Israel, thì cần học hỏi nhiều. Theo đạo diễn Yoav Michaeli, điện ảnh và truyền hình hấp dẫn nhờ tốc độ nhanh, bất ngờ, thật như cuộc sống. Vì thế, ở vở “Bpolar”, điện ảnh trên sân khấu không minh họa, mà là một phần tương tác với diễn viên và khán giả.

Để trả lời cho câu hỏi, hướng cách tân nào phù hợp và hiệu quả với sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: “Phải biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cộng với công nghệ cao một cách nhuần nhị; sân khấu ít lời, thậm chí không lời, thay thế bằng cách diễn hình thể, sắp đặt, âm thanh, ánh sáng, điện ảnh; làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng công nghệ cao. Cuối cùng là nghệ sĩ phải luôn có khát vọng làm mới, mạnh dạn thử nghiệm những điều chưa từng có, nếu thành công thì tiếp tục, nếu thất bại thì tìm hướng khác”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng cách tân sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.