Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thiết chế văn hóa thêm hấp dẫn

Thanh Thủy| 15/10/2019 06:32

(HNM) - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% thôn, 80% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã hoàn chỉnh đề án xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao… Đây là cơ sở để đẩy nhanh tốc độ “phủ sóng”, nâng cao chất lượng hoạt động, hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân tham gia tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

92% thôn, làng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, với nhiều mô hình hoạt động sáng tạo, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt. Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Đại Áng, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) vừa được đầu tư xây mới. Ảnh: Bá Hoạt

Chủ động gỡ khó, khơi nguồn sáng tạo

"Từ nay đến hết năm 2019, 100% thôn, làng trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ “phủ sóng” nhà văn hóa, trong đó có 65% công trình đạt chuẩn về diện tích (bình quân đạt 1.500m2) và trang thiết bị", Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết. Cũng theo ông Lợi, kết quả này có được là nhờ địa phương đã phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Kinh phí xây dựng công trình là từ nguồn ngân sách, còn chi phí đầu tư trang thiết bị, cảnh quan, cây xanh… do đóng góp, ủng hộ của nhân dân.

Tương tự huyện Thanh Oai, không ít địa phương trên địa bàn thành phố đã có cách làm hay, khơi nguồn sáng tạo, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tiêu biểu như thôn Đoài - xã Nam Hồng, thôn Thượng - xã Uy Nỗ, thôn Gà - xã Cổ Loa (huyện Đông Anh); làng Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức); thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai)… Phó Trưởng thôn Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Soạn cho biết, nhà văn hóa của thôn có quy mô lớn nhất huyện (hơn 2.000m2), ngày nào cũng chật kín người đến vui chơi, tập luyện văn nghệ, thể dục, thể thao. Để có được kết quả như vậy, là nhờ địa phương tích cực vận động, xây dựng các phong trào, câu lạc bộ tập luyện bóng chuyền, bóng đá, dưỡng sinh, văn nghệ…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Văn Lộng (thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) thông tin: "Chúng tôi rất vui với các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ giàu sáng tạo được đưa về nhà văn hóa của thôn, như câu lạc bộ nghệ thuật trình diễn ca múa, câu lạc bộ làm hoa giấy, câu lạc bộ di sản và ký ức... Mỗi người đều tìm được mô hình phù hợp với bản thân để vừa giải trí, vừa phát huy khả năng phục vụ cộng đồng".

Tuy nhiên, công tác hoàn thiện cũng như tổ chức hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên toàn thành phố vẫn chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố số 13, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) phản ánh thực tế: "Do điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở tổ dân phố chỉ rộng khoảng 25m2, nên chủ yếu dành cho việc hội họp; còn việc sinh hoạt, vui chơi của người dân rất hạn chế".

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có 92% thôn, làng có nhà văn hóa, thể thao, nhưng phần lớn đều chưa đồng bộ về thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động. Ở khu vực nội thành còn khó khăn hơn, mới có 31% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Không những vậy, công tác tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế, với 34% nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng. Nguyên nhân là do thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí, trang thiết bị nghèo nàn, cán bộ kiêm nhiệm, thiếu sáng tạo trong gây dựng hoạt động…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho rằng: “Nhiều nơi mong muốn được khai thác công trình để có nguồn hoạt động, song chưa có hướng dẫn, nên không biết tổ chức thế nào. Ban chủ nhiệm các nhà văn hóa, câu lạc bộ vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện”.

Nâng chất lượng quản lý, tăng hiệu quả khai thác

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, ngày 18-9-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, nhiều mục tiêu đã được đề ra như: 100% thôn, 80% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã hoàn chỉnh đề án xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, trong đó có 30% số xã có trung tâm văn hóa, khu thể thao được đầu tư trang thiết bị; 100% quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao… Đây là cơ sở để hệ thống thiết chế văn hóa thêm hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, đáp ứng các nội dung đã đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, giai đoạn 2016-2020.

Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) thu hút đông đảo trẻ em đến đọc sách. Ảnh: Lê Tuấn

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, trước hết các địa phương sớm quy hoạch quỹ đất, đồng thời kết hợp các nguồn vốn đầu tư công, vốn của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. “Các địa phương cũng cần chủ động rà soát, sắp xếp lại hệ thống thiết chế văn hóa theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa năng, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức hoạt động...”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Về việc thiếu nội dung hướng dẫn quản lý, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu với UBND thành phố hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Ngoài việc tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa, bổ sung trang thiết bị…, cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, các cấp, ngành chức năng của thành phố nên có cơ chế, chính sách để huy động các lực lượng tham gia vận hành nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó phân định rõ các hoạt động miễn phí, hoạt động dịch vụ để đa dạng hóa nguồn kinh phí. Về lâu dài, cần thay đổi mô hình kiêm nhiệm bằng lực lượng có thực lực, kinh nghiệm để gây dựng, lan tỏa phong trào từ cơ sở, vừa phát huy hiệu quả công năng công trình, vừa đưa đời sống văn hóa, tinh thần ở địa phương đi lên.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, từ nhiều năm qua, Sở đã phối hợp với một số địa phương như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Sơn Tây… thí điểm mô hình hoạt động mới, đó là tổ chức các loại hình câu lạc bộ theo sở thích của người dân tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Việc này sẽ tiếp tục được nhân rộng tới nhiều địa phương khác trong thời gian tới, là cơ sở để tăng hiệu quả khai thác, sáng tạo các mô hình hay, góp phần thu hút và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thiết chế văn hóa thêm hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.