Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy hiệu quả các không gian đi bộ ở Hà Nội

Hoàng Lân| 24/10/2019 10:35

(HNMO) - Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng với không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã có thời gian hoạt động thí điểm và mang lại không ít lợi ích. Sau thời gian hoạt động, những không gian này vẫn cần điều chỉnh thêm để nâng cao hiệu quả hoạt động, trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là điểm đến hấp dẫn người dân và du khách vào cuối tuần.

Những điểm đến lý tưởng

Anh Jakob Stenby Lundsanger lần đầu đến Hà Nội để tham gia Giải chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội năm 2019 đã rất ngạc nhiên về không gian đi bộ lãng mạn và thân thiện của Thủ đô. Jakob nói rằng, anh đã có một ngày cuối tuần ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hòa mình vào những chương trình nghệ thuật đường phố.

“Tôi thật sự ấn tượng vì Hà Nội có một không gian cộng đồng thanh bình, thân thiện và giàu văn hóa đến vậy”, Jakob nói.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã hoạt động 3 năm (bắt đầu từ năm 2016), duy trì thường xuyên 7 điểm biểu diễn văn hóa cố định với các phong cách từ hiện đại đến dân gian.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ đầu năm, lịch biểu diễn tại các sân khấu đều đã kín. Các hoạt động diễn ra phần lớn được xã hội hóa, không chỉ đạt chất lượng nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa cộng đồng, nhận được sự hài lòng của người dân và du khách.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, lượng khách đến khu vực phố đi bộ ngày càng đông. Ban ngày, lượng khách dao động từ 3.000-5.000 lượt người; buổi tối là từ 15.000 đến 20.000 lượt người.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, sau 3 năm hoạt động, không gian này đã góp phần hình thành thói quen đi bộ và nếp sống mới cho người dân Thủ đô, quảng bá hiệu quả hình ảnh Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.

Sau thành công bước đầu của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tháng 5-2018, quận Tây Hồ khai trương không gian văn hóa, ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Đây là không gian đi bộ thứ hai của Hà Nội được kỳ vọng là điểm đến văn hóa, du lịch lý tưởng.

Khu vực phố đi bộ bao gồm phố Trịnh Công Sơn (đoạn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc ngã ba đê Âu Cơ) và một phần ngõ 413 Âu Cơ, hoạt động từ 17h đến 23h thứ sáu và hai ngày thứ bảy, chủ nhật.

Hoạt động phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào buổi tối. (Ảnh: Hoàng Lân)

Theo khảo sát của PV HNMO, phố đi bộ Trịnh Công Sơn những ngày cuối tuần tuy không sôi động như khu vực hồ Hoàn Kiếm nhưng cũng là điểm thu hút được không ít người dân ở khu vực quận Tây Hồ tìm đến vui chơi.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, hằng tuần, không gian đi bộ Trịnh Công Sơn vẫn duy trì sân khấu biểu diễn âm nhạc, khu vực vui chơi dành cho trẻ em... Nhiều đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay biểu diễn trò chơi dân gian đã tạo được sức hấp dẫn cho du khách.

Nâng cao hiệu quả của điểm đến

Mặc dù bước đầu tạo được hiệu quả trong việc xây dựng điểm đến mới cho Hà Nội nhưng cả hai không gian đi bộ của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Chị Nguyễn Phương Chi (sống tại đường Lạc Long Quân) thường xuyên cùng gia đình đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn cho biết, hoạt động văn hóa, ẩm thực tại phố đi bộ còn nghèo nàn, ít điểm nhấn.

“Khu ẩm thực đã không còn các gian hàng giới thiệu đặc sản của Hà Nội mà chủ yếu là các quán bán ốc, mực nướng. Khu vui chơi cũng chỉ có xe điện, trò chơi xúc cát hoạt động”, chị Phương Chi cho biết.

Các chương trình văn hóa, biểu diễn tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa phong phú. (Ảnh: Hoàng Lân)

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thừa nhận, mục đích xây dựng không gian văn hóa, ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn đến nay gặp không ít khó khăn. Phần lớn các hoạt động tại phố đi bộ đều được xã hội hóa nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia. Hệ thống các cửa hàng ăn uống chưa đặc sắc; vẫn còn hiện tượng người dân đi các phương tiện cơ giới vào phố đi bộ.

Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, việc quản lý các bãi đỗ xe tự phát, bán hàng rong, dắt chó đi dạo dẫn đến mất vệ sinh, an toàn cho du khách… vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, lượng khách đến rất đông trong ngày cuối tuần cùng ý thức của nhiều người dân chưa cao dẫn đến tình trạng quá tải các điểm trông xe, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng... 

“UBND quận Hoàn Kiếm đã lắp camera giám sát để quản lý an ninh, trật tự. Quận cũng phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố xây dựng phương phân luồng giao thông, lắp 18 biển cấm phương tiện, 8 biển thông báo tuyến phố đi bộ… Bên cạnh đó, để bảo đảm vấn đề vệ sinh thực phẩm, quận đã thí điểm cho phép các xe bán hàng lưu động hoạt động theo thời gian cho phép. Các xe dịch vụ lưu động phải có cam kết về vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Việc mở rộng các không gian văn hóa đi bộ cần phải chú trọng thêm việc tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng để hấp dẫn du khách.

Hiện nay, hai không gian đi bộ của Hà Nội đang đề xuất phương án mở rộng thêm để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của phố đi bộ. UBND quận Tây Hồ cho biết, đã hoàn thành việc lắp đặt sân khấu chính; có chính sách ưu đãi để kêu gọi các đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa cộng đồng; lên kế hoạch kết nối khu Đầm Bảy (phường Nhật Tân) với không gian đi bộ nhằm phát huy thế mạnh của các đầm sen để hấp dẫn du khách hơn…

Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả hoạt động 3 năm của không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm cho biết, đang xây dựng Đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, tạo không gian đi bộ hoàn chỉnh.

Theo Đề án, những phố được đề xuất thành phố đi bộ vào cuối tuần gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ (đoạn từ Đinh Liệt đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Bè, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên. 

Theo TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, việc phát triển, mở rộng các không gian văn hóa đi bộ ở Hà Nội là cần thiết, bởi đây được xem là “đặc sản” văn hóa Thủ đô. Để phát huy tốt hiệu quả của những điểm đến này, bên cạnh việc mở rộng về không gian, còn cần quy hoạch cụ thể về các điểm vui chơi, chất lượng dịch vụ, tăng cường thêm các hoạt động văn hóa, du lịch, giải trí…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả các không gian đi bộ ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.