Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nâng nhận thức của cộng đồng

Hằng Dung| 12/11/2019 06:55

(HNM) - Song song với quá trình xây dựng, gìn giữ các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng trên địa bàn thành phố, không thể thiếu các giải pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi thiếu văn hóa. Để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và gắn liền với đó là việc xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tăng tính răn đe.

Một đoạn đường gốm sứ bị bong tróc, dơ bẩn.

Những điều mắt thấy...

Cuối tháng 10 vừa qua, người dân và du khách ngỡ ngàng khi tác phẩm "Tháp" đặt tại đường dạo ven hồ Hoàn Kiếm bị dỡ bỏ. Nguyên nhân là tình trạng phóng uế, vẽ bậy và leo trèo làm ảnh hưởng đến tác phẩm nghệ thuật được cho là đẹp, độc đáo này. Câu chuyện trên khiến dư luận lo ngại về thái độ ứng xử vô văn hóa của một số người - có thể coi là cá biệt - đối với công trình văn hóa, nghệ thuật nói riêng và không gian công cộng nói chung.

Chị Trần Thị Uyên, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) cho biết, thời điểm tác phẩm "Tháp" trưng bày, chị và hai con cũng tham quan. Nhưng vừa bước vào, ba mẹ con đã phải quay ra vì không chịu nổi mùi khai bên trong. "Một tác phẩm nghệ thuật thú vị, lạ mắt như thế mà lại có người tiểu tiện bừa bãi. Hành vi này rất đáng bị lên án", chị Uyên bức xúc. Chị Lê Thùy Dung, phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì cho rằng, Thái Lan và Malaysia đã trục xuất một số du khách chụp ảnh phản cảm tại những ngôi đền thiêng. Việt Nam cũng nên làm nghiêm, để răn đe những người có ý thức kém văn hóa với các di tích, công trình văn hóa.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, một công trình nghệ thuật khác cũng đang chịu "ứng xử tệ" là "Con đường gốm sứ ven sông Hồng". Dọc con đường dài gần 4km này hiện có nhiều tồn tại như tình trạng đốt rác, vẽ bậy, phóng uế; chiếm dụng chân tường dọc tuyến đường để bán hàng rong... tại những vị trí như đoạn gần lối rẽ vào phố Hàm Tử Quan; đoạn qua phố Trần Quang Khải, hay đoạn qua phường Yên Phụ... Tại khu vực cụm di tích, thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn - Tượng đài Vua Lê cũng không khó bắt gặp hành vi ứng xử thiếu văn hóa của người dân và du khách. Mặc dù dưới chân Tháp Bút đã có biển cấm trèo lên núi đá, nhân viên đơn vị quản lý di tích cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng người dân vẫn cố tình leo lên để chụp ảnh; tình trạng du khách vứt rác, hút thuốc lá, khạc nhổ bừa bãi... vẫn diễn ra tại đây. Còn tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng xuất hiện những du khách viết, vẽ lên một số hiện vật...

Tăng giải pháp bảo vệ di tích và xử lý vi phạm

Hà Nội có 5.922 di tích và nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật khác. Là thành phố có sức hút lớn về du lịch, vào dịp lễ, Tết, du khách đến tham quan các di tích, công trình văn hóa, nghệ thuật rất đông, thậm chí quá tải, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ di tích.

Ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm nhận định, ngoài sự thiếu ý thức của người dân, nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại trên là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên chưa ngăn chặn triệt để được hành vi ứng xử thiếu văn hóa của du khách. Còn theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), do một số di tích, công trình văn hóa, nghệ thuật có không gian mở nên lực lượng chức năng không thể phát hiện kịp các hành vi thiếu văn hóa để xử lý. Hơn nữa, người dân sống quanh khu vực hoặc khách vãng lai cố tình vi phạm bất chấp biển cấm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Nói về giải pháp nhằm hạn chế việc vẽ, viết lên hiện vật, làm xấu di tích, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đề xuất: "Theo tôi, Hà Nội nên mở một diễn đàn để người dân lên tiếng phản đối những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu bắt được quả tang, cần công khai người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả mọi người đều biết".

Là một người tham gia công tác quản lý, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông tin, thời gian qua Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời làm hàng rào chắn, cắm biển "không vượt qua hàng rào", bố trí bảo vệ tại một số hiện vật, khu vực có nguy cơ cao bị xâm hại. Đến nay, tình trạng ứng xử thiếu văn hóa tại di tích cơ bản được hạn chế. Còn theo ông Đinh Sỹ Đạt, UBND quận Hoàn Kiếm đã và sẽ tiếp tục kiểm tra nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại liên quan đến di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật... trên địa bàn.

Về phía Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cho hay, Ban đã tham mưu cho Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, phát hiện những di tích, công trình văn hóa, nghệ thuật... bị ứng xử thiếu văn hóa để kịp thời xử lý.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ được tăng cường hơn nữa, nhằm bảo đảm gìn giữ môi trường văn hóa nói chung, các không gian nghệ thuật công cộng nói riêng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nâng nhận thức của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.