Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trần Ninh Hồ: Ăm ắp một tâm hồn thơ

Hoàng Lan| 21/11/2019 09:38

(HNMCT) - Nếu chưa từng gặp gỡ Trần Ninh Hồ ngoài đời, chỉ đọc thơ ông sẽ không nghĩ tác giả của những vần thơ ấy đã qua tuổi “thất thập”. Thơ ông nhiều tự sự, nhiều suy ngẫm nhưng được thể hiện bằng một cách rất riêng, đầy trẻ trung, tinh tế, đam mê và hóm hỉnh. Cứ độ dăm năm nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một đợt xuất bản thơ và dường như “gừng càng già càng cay”, các tập thơ xuất bản về sau này hay về cả lượng lẫn chất.

1. Nhà thơ Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Bút danh Trần Ninh Hồ là do ông ghép tên quê ngoại của ông là làng Mật Ninh và quê nội là làng Sen Hồ. Ngoài đời rất khó đoán tuổi của nhà thơ bởi ông thuộc tạng người trẻ lâu, hoạt bát và hay chuyện. Chính ông tự nhận mình như vậy bằng những câu thơ: “Nhớ những lần gặp nhau/ Tôi thì cứ làu làu/ Chuyện trên trời dưới đất/ Bốn bể rồi năm châu/ Chuyện bóng chuyền bóng đá/ Hết bên Tây sang Tàu/ Rồi lại cả những chuyện/ Không đâu vào với đâu...”.

Tốt nghiệp phổ thông, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, ông tham gia Thanh niên xung phong, tình nguyện lên tỉnh miền núi Tuyên Quang dạy học. Cũng trong những năm tháng đầy ắp nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy, ông đã bắt đầu đăng truyện ngắn trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội và sớm nổi tiếng ở lĩnh vực văn xuôi. Truyện ngắn Trong những món ăn truyền lại của ông được giải Nhì cuộc thi báo Văn nghệ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, sau đó được in vào tập Vườn hoa cổng ô (chung với Nguyễn Phan Hách) đã khiến ông trở thành một trong những cây bút trẻ được chú ý nhất thời bấy giờ. Vài năm sau ông nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ.

Cũng từ đây những truyện ngắn còn đẫm hơi sương, hơi nắng được viết từ hiện thực cuộc sống chiến đấu của quân dân miền Nam xuất hiện đều đều trên báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội... Thấy ông có khả năng viết lách, cấp trên cử ông sang làm phóng viên tờ Văn nghệ Quân giải phóng Đông Nam Bộ, sau đó làm Trưởng ban Biên tập báo Văn nghệ giải phóng. Sau ngày giải phóng miền Nam, Trần Ninh Hồ trở thành một cây bút chủ lực của báo Văn nghệ Giải phóng. Năm 1977, ông ra Bắc, công tác tại báo Văn nghệ tới năm 1996, kinh qua các vị trí Trưởng ban Văn xuôi, Trưởng ban Thơ, Trưởng ban Phóng viên. Năm 1996 ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam... Một thời gian sau, ông xin nghỉ vì thấy “con người thơ” của mình không hợp với công tác quản lý.

2. Sau rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết được đăng tải, xuất bản, dạo gần đây Trần Ninh Hồ chỉ in thơ. Có người cho rằng văn xuôi, nhất là tiểu thuyết với đặc thù và dung lượng của nó mới có thể chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói cùng bạn đọc, nhưng với Trần Ninh Hồ, thơ “nói” được nhiều hơn. Đặc biệt, hơn 2/3 các bài thơ ông đã viết đều nói về tình yêu, thậm chí trong 9 tập thơ đã xuất bản, ông có hẳn một tập... toàn thơ tình mang tên Cho người tôi thương nhớ (NXB Hội Nhà văn, năm 2005).

Thơ Trần Ninh Hồ thẩm thấu người đọc bằng sức cảm, sức ngẫm của một tâm hồn đa đoan, từng trải. Chính vì thế, với một bài thơ, ông nói về tâm trạng một người mà nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có lần nhạc sĩ Thanh Tùng ra Hà Nội đã nhờ bằng được Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội lúc ấy là đồng chí Phạm Chuyên tìm ông. Lý do là vì cách đấy 20 năm, nhạc sĩ Thanh Tùng bất chợt đọc được một bài thơ của nhà thơ Ninh Hồ. Ông đã rất thích và lấy cái tứ của bài thơ ấy để sáng tác bài Giọt nắng bên thềm: “Tiễn em đi nắng còn đậu trên thềm/ Khi trở lại nắng đã đi bước nữa/ Không biết nắng về trời hay hóa lửa/ Ta chỉ cần nắng đã sáng thềm em…”. Ông bảo: “Bài thơ mang một ý nghĩa giản dị nhưng giàu sức gợi. Sứ mệnh của mặt trời không phải cái gì to tát, nó đơn giản chỉ là làm đúng phận sự của mình là soi vàng nơi hạnh phúc từng ngự trị mà thôi”.

Khi tôi hỏi ông viết nhiều thơ tình đến thế chắc cũng... đa tình lắm, ông chỉ cười và giải thích bằng những câu thơ: “Người ta bảo nhà thơ thường rất nhiều tình nhân/ Sao lại nhiều? Chỉ em thôi, cũng một! Nhưng riêng với nhà thơ thì hình như em cố tình đến muộn/ Và nhà thơ cứ mãi mãi đắm say, mãi mãi kiếm tìm”.

Thơ Trần Ninh Hồ rất phong tình, nhưng đằng sau sự phong tình đó luôn thể hiện một cách nhìn, quan điểm riêng, đôi khi từ một nghịch lý mà trở thành triết lý. Đặc biệt ông rất thích những vần thơ đối nghịch: “Những đám mây thong thả/ Dưới vòm trời lặng im/ Một người đi mấy ngả/ Một ngả mấy người tìm/ Thế giới này nhỏ bé/ Mặt nước loáng cánh chim/ Nền trời sôi tăm cá/ Theo tận cùng gót lạ/ Lại nghe tiếng chân quen/ Nhớ cái gì thắc thỏm/ Quên cái gì đinh ninh/ Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình…”. (Giấc mơ đom đóm). Ông kể rằng khi quan sát con đom đóm không yên ổn để sinh ra thứ ánh sáng của riêng mình mà thỉnh thoảng lại nhấp nháy, ông đã cho rằng đó là cái giật mình cần thiết. Giật mình để lần sau thứ ánh sáng mà nó mang lại sáng hơn. Cũng như con người sống trong cuộc sống đôi khi cũng phải biết giật mình trước cái hay lẫn cái dở của kiếp người. Giật mình để điều chỉnh mình, để hoàn thiện mình hơn.

Ngoài thơ tình, Trần Ninh Hồ còn có nhiều bài thơ mang tính chất kể chuyện. Lạ là thơ ông kể chuyện có đầu có cuối, tình tiết rõ ràng mà nhịp điệu vẫn chắc, vẫn hấp dẫn khiến độc giả thắc thỏm đọc đến từ cuối cùng. Văn thơ hay báo chí với ông dường như không có khoảng cách. Ông thậm chí đã có 28 phóng sự được viết bằng... thơ.

Thường Trần Ninh Hồ làm thơ khá dễ dàng, nhìn đâu cũng ra được tứ thơ. Một đề tài muôn thuở như vầng trăng, ông có đến 16 bài tứ tuyệt. Lúc thì vầng trăng là giọt sương, khi thì là khuôn mặt người ông yêu dấu..., mỗi bài một góc nhìn, một phát hiện nhỏ thôi nhưng thú vị. Hay một lần ngồi ngắm mưa trên sân thượng, trong một ngày mưa tầm tã, bỗng ông phát hiện có một con chim hồng tước đậu trên cành cây đinh lăng, ông chợt nảy một tứ thơ mà cho đến bây giờ ông vẫn tâm đắc: “Đầy trời mưa lướt thướt/ Đốm lửa nhóm trong cành/ Chợt vút từ sũng nước/ Cháy một đường mong manh”. Ông bảo rằng: “Trong kiếp người có những lúc phải lao qua một vùng mưa bão như thế. Và quyết định lao ra ngoài mưa của con chim hay hình ảnh con chim “nhóm lửa” trong mưa mang một tư tưởng lớn, một khát vọng tìm hạnh phúc, tìm bến bờ yên ổn lớn lao”.

3. Trần Ninh Hồ còn nổi tiếng với những tuyên ngôn thơ. Nào là: “Thơ là quá trình bôi và xóa. Thơ là hai trang giấy bỏ quên nằm giữa những gì chưa viết. Thơ là sự bất lực của người viết nên trước nhà thơ lúc nào cũng mênh mông giấy trắng. Thơ là một thứ triết lý bằng xúc động. Nhà triết học thì dùng logic lý luận tạo nên những nhận thức chân lý nhưng nhà thơ dùng sự cảm động của cuộc đời để người ta cảm nhận chân lý. Cho nên thơ là lịch sử tâm trạng của con người...”.

Đọc thơ Trần Ninh Hồ những năm gần đây, nhất là tập thơ Những dấu ấn chưa qua (2017) có cảm giác ông đã đến độ lão thực, nhìn thấu mọi điều. Sau tác phẩm Những dấu ấn chưa qua, Trần Ninh Hồ định chầm chậm với thơ để chuyển sang kịch. Ông đặt cho những vở kịch dài mình viết cái tên Truyện dài sân khấu với mục đích duy nhất là để thỏa mãn niềm yêu thích của mình, chứ ông không mong chờ chúng được bước ra sân khấu. Bởi với ông: “Nghĩ, đi, viết, sửa, xuất bản, rồi lắng nghe, với quy trình ấy tôi thấy cũng đã hơi nhiều!”. Tôi lại nghĩ khác. Nhiều nhưng với Trần Ninh Hồ không có nghĩa là dừng lại. Với một tâm hồn thơ lúc nào cũng ăm ắp tâm sự, ăm ắp nỗi thương mình, thương người đến thế, không có những câu thơ để nương tựa, ông biết bấu víu vào cái gì?

Nhà thơ Trần Ninh Hồ sinh năm 1943, quê ở làng quan họ Sen Hồ (nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Các giải thưởng văn học: Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, Giải truyện ngắn hay 10 năm báo Văn nghệ Giải phóng (1965 - 1975), Giải truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1973 và 1975, Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1970 - 1971...

Các tác phẩm đã xuất bản: Vườn hoa cổng ô (truyện ngắn, NXB Văn học, 1973), Điều không ngờ tới (truyện ngắn, NXB Quân đội, 1984),

Thư cuối năm (truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1985), Những vòng vây (kịch dài, NXB Sân khấu, 1989), Trăng hai mùa (thơ, NXB Giải phóng, 1976), Viết cho một người (thơ, NXB Thanh niên, 1990), Giấc mơ vách núi (thơ, NXB Văn hóa Thông tin, 1999), Thơ gửi cho thơ (thơ, NXB Văn hóa Thông tin, 1999), Lữ thứ với con người (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2004), Cho người tôi thương nhớ (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2004)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trần Ninh Hồ: Ăm ắp một tâm hồn thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.