Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”

Nguyễn Thanh| 23/11/2019 07:07

(HNM) - Với truyền thống lịch sử lâu đời cùng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đất nước, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm nuôi dưỡng, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế “Thủ đô di sản” trong xây dựng, phát triển thành phố.

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ảnh: Sơn Hà

Còn nhiều thách thức

Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, thành phố hiện dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới do UNESCO ghi danh; 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; gần 1.200 di tích cấp quốc gia… Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hà Nội hội tụ gần như đầy đủ các loại hình di sản văn hóa với những giá trị nổi trội, đồng thời là nơi có nhiều dấu ấn trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai có bài bản và hiệu quả công tác giáo dục di sản, hằng năm, Hà Nội cũng huy động thành công hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần khơi dậy tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh; tạo cơ sở phát triển bền vững cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là du lịch. Ông Dan Dockery (du khách Anh) chia sẻ: “Một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi về Thủ đô Hà Nội của các bạn là hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn. Điều này cũng khiến Hà Nội trở nên đặc biệt quyến rũ so với những thành phố trên thế giới tôi từng đi qua”.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô còn không ít khó khăn, thách thức. Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Số lượng di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm phạm còn nhiều... Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hiện vẫn còn hơn 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng…Toàn thành phố có hơn 700 di tích xuống cấp từ nặng tới nghiêm trọng, 166 di tích bị vi phạm, với không ít vụ việc điển hình, như: Tự ý xây mới, lắp đặt nhiều hạng mục không phép tại chùa Khúc Thủy (Thanh Oai); phá dỡ, xây mới cổng phụ hai bên gác chuông ở chùa Bối Khê (Thanh Oai); tháo dỡ, xây mới toàn bộ đình cổ Lương Xá (Ứng Hòa)...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức đánh giá: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập, như: Nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ; chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc; thực trạng thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên văn hóa ở cơ sở...

Để xứng danh “Thủ đô di sản”

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, Hà Nội đang tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm, gồm: Tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích; hoàn thiện, phổ biến thủ tục hành chính về cấp phép tu bổ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đúng quy định.

Hội Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đóng góp ý kiến với thành phố, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cho rằng: Số lượng di tích xuống cấp rất lớn, từng di tích cụ thể lại mang giá trị khác nhau nên cần có cách làm linh hoạt, sáng tạo với từng trường hợp. Trước mắt, cần xây dựng danh mục di tích theo hướng các nhóm ưu tiên, để có hoạt động đầu tư, tu bổ phù hợp. Ngoài ra là có biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo.

Di sản văn hóa không chỉ là cốt lõi của bản sắc dân tộc mà còn là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Với mục tiêu này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vấn đề con người là vô cùng quan trọng. Thành phố cần tổ chức khảo sát, đánh giá một cách toàn diện, cụ thể về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó phân loại và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng một cách hiệu quả. Song song với đó, cần đổi mới chế độ, chính sách đối với lực lượng này nhằm động viên, khuyến khích họ cống hiến, làm việc có hiệu quả.

“Thành phố cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, như: Lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa; tin học hóa hoạt động quản lý di sản; đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị...”, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình kiến nghị.

Với nỗ lực bảo tồn di sản, thành phố Hà Nội vẫn giữ được hồn cốt với vẻ riêng biệt, đặc sắc trong sự phát triển đa dạng của đô thị. Để làm tốt hơn việc này, theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Ngành Văn hóa Thủ đô kỳ vọng người dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, góp phần mang đến những đột phá trong công tác bảo tồn di sản, xứng tầm với vị thế "Thủ đô di sản".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.