Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cháy mãi ngọn lửa âm nhạc cách mạng

Nguyễn Quang Long| 27/08/2020 09:20

(HNMCT) - Âm nhạc có sức mạnh to lớn. Ca khúc cách mạng ra đời ngay từ thời điểm đầu của nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời cũng là thời kỳ đầu của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Chương trình hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc 2020 diễn ra tối 22-8 mang đến cho khán giả nhiều ca khúc cách mạng được yêu thích. Ảnh: Mạnh Trí

Luôn “cháy” cùng đất nước

Nếu điểm tên những ca khúc ca ngợi Đảng hay nhất thì không thể không nhắc tới Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Minh với những câu hát đã trở nên quen thuộc: “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên/ Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới/ Ngàn triệu dân siết tay nhau đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam khối kết đoàn công nông bền vững/ Đời cần lao thắm tình yêu chói niềm tin…”. Đỗ Minh sáng tác ca khúc này năm 1951 để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Tuyên Quang, chính thức tuyên bố Đảng ra công khai dưới tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến cứu nước. Ca khúc này có ca từ mang ý nghĩa thời đại, âm nhạc mang tiết tấu hành khúc, nhịp đi, có tính hiệu triệu, gần gũi.

Lật lại lịch sử âm nhạc, ca khúc cách mạng xuất hiện ngay từ “buổi bình minh” của tân nhạc Việt Nam với sự ra đời của ca khúc Cùng nhau đi hồng binh do nhạc sĩ Đinh Nhu sáng tác. Năm 17 tuổi, nhạc sĩ Đinh Nhu tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Cuối năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt, giam tại Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo. Tinh thần của cuộc đấu tranh chống Pháp sôi nổi, tâm điểm là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã cho ông cảm hứng sáng tác Cùng nhau đi hồng binh. Tác phẩm này giữ vị trí mở đầu cho nền tân nhạc Việt Nam, cũng là ca khúc cách mạng hay còn gọi là nhạc đỏ đầu tiên của nước ta. Từ đó cho tới năm 1945, chúng ta đón nhận thêm nhiều hành khúc bất hủ như Tiến quân ca của Văn Cao, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Lên đàng của hai tác giả Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng...

Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nền âm nhạc Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, hàng trăm sáng tác ra đời đưa dòng ca khúc cách mạng lên đến đỉnh cao. Các ca khúc cách mạng cũng rất đa dạng. Bên cạnh những ca khúc cách mạng mang âm hưởng hoành tráng, thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng, còn nhiều ca khúc mang tinh thần ngợi ca, giàu chất trữ tình, mang âm hưởng dân gian và nhiều đề tài khác nhau. Nhưng trên hết, dòng ca khúc này hướng tới tinh thần tập thể, nói lên tiếng nói dân tộc, tiếp thêm nguồn năng lượng cho quân và dân ta đấu tranh.

Một tiết mục trong chương trình hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc 2020. Ảnh: Mạnh Trí

Không ngừng “giữ lửa”

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển ồ ạt của những dòng nhạc ngoại nhập, sự quay trở lại rầm rộ của bolero, nhạc trữ tình và các gameshow nhạc mới... khiến những khúc chính ca hào hùng - vốn là dòng nhạc chủ lưu một thời - dường như bị sao nhãng. Điều đó tạo ra sự mất cân bằng trong đời sống âm nhạc và càng nhân thêm những suy tư, trăn trở về âm nhạc nước nhà.

Thực tế, dòng nhạc cách mạng vẫn luôn có được một lượng công chúng đông đảo. Nhưng cũng cần nhìn nhận một quy luật: Mỗi một dòng nhạc ra đời có một “nhiệm vụ” riêng, mang dấu ấn thời đại nhất định. Hầu hết những tác phẩm nổi bật của dòng ca khúc cách mạng, được công chúng yêu thích vẫn là những bài được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh. Muốn dòng nhạc này không ngừng phát triển, chúng ta không thể sao nhãng việc bồi đắp tác phẩm mới phù hợp với cuộc sống hôm nay.

Công chúng sẵn lòng đón nhận những tác phẩm mới có chất lượng của dòng nhạc cách mạng. Có thể kể tới một vài ca khúc mới sáng tác được khán giả đón nhận nhiệt tình, nhiều ca sĩ chọn thể hiện như ca khúc Niềm tin trong tôi do nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam sáng tác năm 1991. Khi giới thiệu tác phẩm mới của mình mang tên Chào mừng Đảng bộ, Thành phố Anh hùng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho rằng, bí quyết để ca khúc cách mạng đi vào lòng công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đó là: “Ca khúc phải được viết bằng ngôn ngữ âm nhạc của giới trẻ hiện nay”.

Như vậy, không phải công chúng thờ ơ với “nhạc đỏ” mà quan trọng là bên cạnh khối lượng ca khúc đi cùng năm tháng hết sức đồ sộ thì dòng ca khúc này cũng cần được bổ sung một lượng ca khúc mới có chất lượng, mang hơi thở thời đại, đủ để tạo sự rung động và sức lan tỏa. Bên cạnh đó, cần có một giải pháp mang tính đồng bộ trong công tác quản lý, khuyến khích sáng tác, tổ chức thêm những sân chơi riêng... để góp phần cân bằng đời sống âm nhạc. Cần nhận thức rằng, dòng ca khúc cách mạng với giá trị và sức mạnh của nó đã được lịch sử chứng minh, vẫn rất cần cho đời sống hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cháy mãi ngọn lửa âm nhạc cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.