Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Nguyễn Lê Anh: Tôi vẽ những mảnh ký ức

Thúy Đinh| 08/11/2020 04:17

(HNMCT) - Tốt nghiệp Đại học Xây dựng, từng theo nghề được học nhưng niềm đam mê hội họa lại dẫn lối Nguyễn Lê Anh. Bắt đầu tập trung sáng tác hội họa từ năm 2009, đề tài mà Nguyễn Lê Anh theo đuổi là chân dung người dân tộc thiểu số.

Nếu tính về tuổi nghề, họa sĩ Nguyễn Lê Anh vẫn là một gương mặt trẻ, nhưng sự chuyên tâm với đề tài mà mình theo đuổi đã mang đến cho anh nhiều thành công cũng như sự ghi nhận của đồng nghiệp.

- Mới đây, anh cùng các bạn mở triển lãm Ngày rộng. Được biết triển lãm được thực hiện với sự kết nối của các họa sĩ thông qua mạng xã hội. Anh có thể chia sẻ thêm về triển lãm này?

- Nhờ có không gian mạng, gần đây việc giao lưu, trao đổi và sinh hoạt chuyên môn của anh em nghệ sĩ cũng thuận lợi hơn. Ban đầu chúng tôi làm quen và kết bạn trên fcebook, các trang nghệ thuật, sau đó một thời gian, khi cảm thấy có sự đồng điệu trong sáng tác nghệ thuật, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển lãm này và mất gần một năm chuẩn bị. Triển lãm là những góc nhìn, màu sắc đa dạng của cuộc sống, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Với triển lãm này chúng tôi muốn gửi đến công chúng thành quả nghệ thuật sau một khoảng thời gian tương đối dài theo đuổi đam mê cá nhân. Đồng thời, đây cũng là món quà trong mùa thu lãng mạn và hào hùng của Thủ đô Hà Nội.

- Việc đi theo hội, nhóm có làm anh bị ảnh hưởng trong sáng tác cá nhân?

- Trong nhóm của tôi, mỗi người một mảng. Tôi thiên về mảng chân dung nhiều hơn. Các anh em khác lại thích phong cảnh. Có thể cùng vẽ nhưng mỗi người một phong cách khác nhau. Việc trùng đề tài và chất liệu không phải là vấn đề đối với tôi.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lê Anh.

- Lâu nay anh thường vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung người dân tộc thiểu số. Điều gì hấp dẫn anh nhất ở mảng đề tài này?

- Chân dung là mảng lớn nhất mà tôi theo đuổi. Tôi cũng vẽ phong cảnh và tĩnh vật, nhưng không nhiều. Tôi muốn thể hiện vẻ đẹp của con người, lấy con người làm chủ thể sáng tạo. Nhân vật của tôi có thể là những người thân, anh em, bạn bè hay thậm chí bất cứ ai tôi từng gặp. Mẫu chỉ là một phần, phần lớn trong tác phẩm của tôi là những hình ảnh trong ký ức. Tôi thể hiện những mảnh ký ức trong câu chuyện của tôi hoặc của người thân xung quanh. Vì thế mà trong tác phẩm của tôi, bối cảnh hơi nghiêng về quá khứ. Tôi gọi đó là những mảnh ký ức trong hội họa.

Đề tài về vẻ đẹp của con người 54 dân tộc thu hút tôi từ lâu, xuất phát từ niềm đam mê đi “phượt”. Vẻ đẹp của miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên đại ngàn, của dãy Trường Sơn hùng vĩ đã kích thích sự tò mò, đam mê khám phá của tôi. Từ lâu, tôi gần như đã phải lòng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, những con người chân thật đáng yêu.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lê Anh.

- Vùng cao trong tranh của anh, tôi cảm giác nó cũng mang màu ký ức hơn là thực tại?

- Đúng vậy. Tôi chọn đề tài vùng cao ở thời điểm quá khứ chứ không phải bây giờ. Vì thế, khó khăn lớn nhất đối với tôi chính là sự thay đổi quá nhanh của đời sống đồng bào vùng cao, từ trang phục đến phong tục tập quán so với cách đây 30 - 40 năm đã có sự đổi khác rất nhiều. Để vẽ được bức tranh với độ lùi về mặt thời gian là một việc rất khó khăn. Tuy nhiên, dựa vào việc tìm hiểu tư liệu lịch sử, những bức ảnh đã chụp được trong quá trình đi thực tế ở vùng cao, tôi đã cố gắng dựng lên những tác phẩm chân thực nhất về đời sống sinh hoạt, về vẻ đẹp của con người miền núi ở thời điểm chưa hiện đại hóa. Bản thân tôi là người yêu lịch sử, thích tìm hiểu văn hóa, các vấn đề về dân tộc học. Tôi cố gắng dựa vào tư liệu lịch sử để tái hiện không gian, con người theo cách mà tôi cho là chân thực hơn cả. Đó cũng là điều tôi muốn hướng đến trong quá trình sáng tác của mình.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lê Anh.

- Vẽ về quá khứ, phải chăng anh có gì đó tiếc nuối khi nhìn hiện tại?

- Thực ra, nói tiếc nuối thì cũng không hẳn. Cuộc sống phải thay đổi. Hiện đại hóa mang đến cho đồng bào các dân tộc nhiều tiện ích. Đó là những thứ cần thiết cho cuộc sống của họ. Tuy nhiên, người ta thường nói nghệ sĩ hay hoài cổ, hay băn khoăn, tiếc nuối vẻ đẹp xưa cũ. Trong cảm giác tiếc nuối của tôi có cả sự chấp nhận cuộc sống phải thay đổi như thế. Giống như mỗi chúng ta thường yêu vẻ đẹp tuổi thơ, tiếc nuối cuộc sống nông thôn bình dị ngày xưa nhưng vẫn phải chấp nhận sự thay đổi để cuộc sống đi lên.

Tôi đang chuẩn bị cho một dự án dài hơi. Tôi vẽ nhiều nhưng chỉ chọn gần chục tác phẩm để giới thiệu trong dự án này. Để vẽ được số lượng tác phẩm đủ cho một triển lãm lớn thì tôi cần thêm nhiều thời gian nữa.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Lê Anh: Tôi vẽ những mảnh ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.