Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Thu Hằng| 15/07/2021 07:48

(HNM) - Việc lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 là một nhiệm vụ quan trọng nhằm kết nối các ngành, vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; hình thành mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Thái Hoàng

Mở rộng khảo sát

Trước đây, chỉ có duy nhất một dạng tổ chức khoa học và công nghệ do các cấp quản lý ở địa phương thành lập dưới “mũ” viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ… và vận hành hoàn toàn dựa vào kinh phí của Nhà nước. Hiện tại, khi các đơn vị tư nhân được phép thành lập viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để giải quyết vấn đề công nghệ của mình hay một số tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng công lập sở hữu một số công nghệ tiềm năng, từng bước tự chủ hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hệ thống các tổ chức này ở các địa phương đã không thuần “một màu” như trước.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 379 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập, trong đó các tổ chức ngoài công lập chiếm tỷ trọng rất lớn, các tổ chức công lập do UBND thành phố quản lý chỉ có 13 đơn vị.

Hà Nội chưa có con số thống kê cụ thể, song đây cũng là nơi quy tụ nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà thông tin, thành phố có 5 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố, còn các tổ chức ngoài công lập hoặc do các bộ, ngành, doanh nghiệp quản lý thì rất nhiều. Đó là các viện công lập thuộc các trường đại học, các viện hàn lâm cũng như các tổ chức thuộc các tập đoàn lớn.

Nhằm triển khai Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 26-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo “Đề cương xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tổ chức tọa đàm hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, mặc dù quy hoạch lần này dành cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, song để góp ý vào dự thảo, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương sẽ mở rộng khảo sát đối với tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập để có cái nhìn toàn cảnh về tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy sức mạnh của các tổ chức khoa học của tư nhân với Nhà nước, phục vụ cho quy hoạch trong giai đoạn mới 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây còn là cơ hội để các địa phương đưa ra các đề xuất về dự án đầu tư, dự án mới trong thời gian tới, đề nghị có sự hỗ trợ, yêu cầu đưa vào kế hoạch trung hạn hoặc kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư trang thiết bị cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần phát triển cũng như những tổ chức mới hoặc tổ chức đang phát triển có nhu cầu về không gian, địa điểm, đất đai để Nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư, triển khai sau này.

Quy hoạch để hoạt động hiệu quả hơn

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo “Đề cương xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, gồm 4 phần: Căn cứ lập quy hoạch; đối tượng, phạm vi lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; cơ sở dữ liệu để phục vụ tích hợp trong quy hoạch chung của ngành, kèm theo các biểu tổng hợp số liệu minh chứng cho nội dung quy hoạch.

So với các quy hoạch trước đây, quy hoạch lần này đề cập đến nhiều nội dung mới rất quan trọng. Cụ thể, cần phải xác định để tích hợp trong các quy hoạch có liên quan; đề xuất “Phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện”.

Thực trạng đang diễn ra ở các địa phương, đó là sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cấp tỉnh quản lý. Việc quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các tổ chức này nâng cao hiệu quả hoạt động và tận dụng được nguồn lực đầu tư của Nhà nước để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn ở địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch sẽ điều chỉnh toàn bộ hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên phạm vi cả nước trong giai đoạn mới; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội để phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.