Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết đơn thư

Dung - Dương| 04/01/2022 06:15

(HNM) - Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết những vụ việc phức tạp tồn đọng, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư của người dân, không để phát sinh vụ việc mới và hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Năm 2020, UBND quận Đống Đa thực hiện cưỡng chế thu hồi đất với hộ gia đình bà Đoàn Thị Hương Anh và Nguyễn Ngọc Mai được dư luận nhân dân đánh giá cao. Ảnh: Trần Hoàng

Kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo

Từ ngày 15-11-2020 đến 15-12-2021, quận Tây Hồ tiếp nhận tổng số 647 đơn, trong đó có 347 đơn từ các phần mềm thư điện tử (email), gửi qua đường bưu điện và từ các đơn vị, nguồn khác. Sau khi tiếp nhận đơn thư, UBND quận đã giải quyết theo thẩm quyền 341 đơn, 6 đơn còn lại được chuyển các đơn vị liên quan; giao các phòng, ban, đơn vị thuộc quận và UBND các phường tham mưu thụ lý giải quyết, trả lời đơn công dân đúng quy định, kịp thời.

Đáng chú ý như trường hợp bà Nguyễn Thị Đỗ, công dân của quận đã khiếu nại kéo dài 25 năm về việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi kiểm tra đơn thư, các cơ quan chức năng quận Tây Hồ đã xác minh lại, giải thích với bà Đỗ về những vướng mắc, về diện tích đất gia đình bà đã được cấp, bà Đỗ đã hiểu ra và rút đơn. 

Tương tự, trên địa bàn quận Đống Đa, sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại, tố cáo qua thư gửi bưu điện, email và trực tiếp của nhân dân tổ 23A (tổ dân phố 9 mới), phường Phương Liên, năm 2020, UBND quận Đống Đa đã tập trung chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Đoàn Thị Hương Anh và Nguyễn Ngọc Mai, tại địa chỉ giải phóng mặt bằng ô đất số 3, cùng địa chỉ nêu trên. Đây là vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm, cưỡng chế thành công, được thành phố và dư luận nhân dân đánh giá cao.

Tại huyện Hoài Đức, nhiều vụ việc, quy trình giải quyết được thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản nên rất nhanh, kịp thời. Điển hình, trường hợp Văn phòng luật sư Anh Bằng có văn bản đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Đàm Khắc Chiến, xã Vân Canh. Sau khi tiếp nhận chỉ đạo của UBND huyện qua phần mềm quản lý văn bản, Thanh tra huyện đã rà soát, nghiên cứu nội dung và mời đại diện văn phòng luật sư đến làm việc để nắm bắt thông tin cụ thể. Ngay sau đó, Thanh tra huyện có báo cáo tham mưu UBND huyện gửi công văn phúc đáp theo quy định, theo đó vụ việc đã được giải quyết xong. 

Vận dụng linh hoạt các phần mềm quản lý văn bản

Xác định công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, Ban Thường vụ Quận ủy Đống Đa lấy hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của từng đơn vị cũng như người đứng đầu đơn vị. Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, quận đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, có phương án tập trung giải quyết, kiên quyết không để phát sinh thành các điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó nhấn mạnh việc chú trọng tiếp nhận, xử lý đơn thư qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Còn theo Trưởng ban Tiếp công dân quận Tây Hồ Nguyễn Thị Ánh Ngọc, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc định kỳ và các vụ việc gửi tới các phòng, ban, đơn vị thuộc quận và UBND các phường. Những vụ việc kéo dài, gây phức tạp tại địa phương thì đề xuất đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, tập trung xử lý dứt điểm. UBND quận cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường ứng dụng công nghệ thông tin tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh đột xuất, kéo dài phức tạp, không đùn đẩy trách nhiệm.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, trên cơ sở tiếp nhận phản ánh của công dân, huyện đã giao các cơ quan chức năng xử lý trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản của huyện. Tính đến cuối năm 2021, thông qua phần mềm xử lý văn bản, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn giải quyết xong 7/8 vụ khiếu nại, 14/15 vụ tố cáo, 47/60 kiến nghị, đề nghị, phản ánh và tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ việc còn lại theo quy định.

Theo đại diện các địa phương, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở vật chất công nghệ thông tin chưa bảo đảm, đường truyền chậm, việc giải quyết đơn, cập nhật phần mềm và văn bản thông tin tới Ban Tiếp công dân thành phố ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, đầy đủ. UBND một số phường hiện chưa cập nhật phần mềm do Thanh tra thành phố cung cấp dẫn đến chưa kiểm tra được đơn vượt cấp, trùng lặp nội dung. Để khắc phục, cùng với giải quyết tồn tại, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng xử lý dứt điểm đơn thư tồn đọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết đơn thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.