Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát nước khu vực nội thành Hà Nội: Còn không ít khó khăn...

Dạ Khánh| 23/06/2022 06:12

(HNM) - Mặc dù đã 2 lần được đầu tư cải tạo công trình thoát nước (Dự án cải tạo thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 thành phố Hà Nội do JICA tài trợ), nhưng khu vực nội thành Hà Nội vẫn xuất hiện các điểm úng ngập mỗi khi mưa lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trên thực tế, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Thủ đô đang phải đối mặt với không ít bất cập, gây khó khăn cho việc vận hành phương án chống ngập.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo vét cống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Quang Thái

Bất cập hệ thống thoát nước đô thị

Tối 13-6, cơn mưa lớn lên đến 145mm/giờ đã gây úng ngập nhiều tuyến phố khu vực nội đô Hà Nội. Phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho (quận Tây Hồ) nước ngập khá sâu khiến nhiều xe máy “chết cứng”. Tình trạng cứ mưa lớn là ngập cũng thường xuyên xảy ra tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Đáng nói, đây là những khu vực đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước.

Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, hệ thống thoát nước tại khu vực ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt bị ảnh hưởng do công trình ga ngầm S12 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, chặn đường thoát nước ra hồ Thiền Quang. Còn ở phố Thụy Khuê, dự án cống hóa mương Thụy Khuê (đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đõ), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, thi công 10 năm nay nhưng vẫn trong tình trạng dang dở, chặn 2/3 dòng chảy.

Trong khi đó, tại khu vực Đại lộ Thăng Long, úng ngập cũng thường xuyên xuất hiện tại các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6, nút giao An Khánh (huyện Hoài Đức)... Cốt nền thấp, các tuyến thoát nước cho các hầm chui đều theo cơ chế tự chảy, trong khi nguồn tiêu của các hầm chui là sông Cầu Ngà, sông Nhuệ khi mưa lớn đều ở mức cao, nhiều khi nước còn chảy ngược, khiến úng ngập ở đây thường kéo dài.

Nói về bất cập của hệ thống thoát nước nói chung, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương chia sẻ, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được phân thành 4 lưu vực: Tô Lịch (77,5km2, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy); Tả Nhuệ (58km2, từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ); Hữu Nhuệ (115,69km2, từ sông Nhuệ đến sông Đáy); Long Biên (62km2, toàn bộ khu vực quận Long Biên). Đến nay, mới có hệ thống thoát nước đô thị lưu vực Tô Lịch cơ bản được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thiết kế đáp ứng mưa có cường độ 310mm2/ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/giờ đối với hệ thống cống. Các khu vực còn lại chủ yếu vẫn tự chảy tự tiêu.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, những trận mưa lớn không theo quy luật có lượng mưa vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, đã dẫn đến tình trạng úng ngập tại nơi trũng thấp. Ngoài ra, các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai, như: Xây dựng nhà ga S12 (đoạn Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo), dự án mở rộng đường Vành đai 2, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; dự án xử lý nước thải Yên Xá... cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước. Theo Sở Xây dựng, với các trận mưa có lượng mưa 50-100mm/giờ, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành còn 11 điểm úng ngập cục bộ.

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thường xuyên thực hiện nạo vét bùn tại các kênh, mương nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước ở khu vực nội thành.

Cần giải pháp lâu dài

Ngay từ đầu năm 2022, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022; đôn đốc các đơn vị thoát nước duy trì, khai thác tối đa hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương...; ứng trực 24/24 giờ, sử dụng thiết bị bơm hút di động để giảm thiểu úng ngập cục bộ; đồng thời, phối hợp vận hành các trạm bơm tiêu nông nghiệp như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Ngoại Độ, Vân Đình,... phục vụ thoát nước đô thị.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, 100% nhân lực của đơn vị được bố trí phục vụ thoát nước mùa mưa; ứng trực tua vớt rác, mở ga tăng cường thu nước mỗi khi trời mưa, mở cửa phai trữ nước hồ điều hòa; vận hành các trạm bơm nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu.

Trước mắt, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thoát nước, bên cạnh việc cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố, nghiên cứu xây dựng bể điều tiết ngầm tại các khu vực nước không thể tự chảy do địa hình trũng thấp (như khu vực Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng); xây dựng hệ thống thoát nước trên đường gom Đại lộ Thăng Long, cũng như phát huy vai trò chứa nước của các hồ điều hòa trong các khu đô thị.

Về lâu dài, cần tập trung nguồn lực triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch số 312/KH-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 28-12-2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiều công trình tiêu thoát nước cần tập trung nguồn lực đầu tư, như: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ; Trạm bơm Yên Nghĩa và hệ thống kênh dẫn - kênh xả đồng bộ, giải quyết thoát nước cho lưu vực Hữu Nhuệ; cụm công trình đầu mối Trạm bơm Liên Mạc; Trạm bơm Cự Khối lưu vực Long Biên; dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm... Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ giải quyết được tình trạng úng ngập cục bộ và bảo đảm vệ sinh môi trường cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoát nước khu vực nội thành Hà Nội: Còn không ít khó khăn...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.