Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động mất an toàn lao động tại công trình xây dựng

Kim Vũ| 04/08/2022 06:44

(HNM) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn lao động tại các doanh nghiệp, công trình xây dựng, đặc biệt là công trình cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo về an toàn lao động tại nơi này khi nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn thương tâm đang rình rập...

Các công nhân cần được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ để bảo đảm an toàn lao động.

Vẫn còn thái độ chủ quan, lơ là

Mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Gần đây nhất là ngày 27-7 vừa qua, một công nhân đang thi công, cải tạo tòa nhà thuộc Công ty Licogi 20 tại số 61E, ngõ 879 Đê La Thành (quận Đống Đa) bất ngờ ngã xuống đất và đã tử vong. Từ vụ việc thương tâm này, phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát thực tế việc chấp hành pháp luật lao động tại một số công trình cao tầng trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Thực tế cho thấy, người lao động và người sử dụng lao động tại một số công trình vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động như để giàn giáo lộ thiên, chênh vênh, rào chắn cẩu thả...

Cụ thể, tại công trình số 32 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), công nhân làm việc ở giàn giáo trên tầng cao nhưng không có dây bảo hiểm, việc che chắn cẩu thả nên nguy cơ tai nạn lao động là rất cao. Tương tự, tại dự án xây dựng nhà liền kề ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên), bên cạnh những công nhân đeo dây bảo hiểm, thì vẫn có một số công nhân chủ quan không sử dụng thiết bị bảo hộ này.

Nhiều công trình xây dựng khác cũng để xảy ra các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động. Theo Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai, vừa qua, đơn vị đã kiểm tra và xử phạt Công ty cổ phần Công nghiệp Thuận Tường khi thi công xây dựng tại ô đất PT1 - Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (phường Linh Đàm, phường Hoàng Liệt) vì sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, vận hành theo quy định. Đội đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng và buộc đơn vị phải chấp hành đúng quy định để bảo đảm an toàn cho công nhân.

Mặc dù vi phạm khá phổ biến, nhưng khi được hỏi đa số công nhân đều cho biết họ không được hướng dẫn đầy đủ về an toàn lao động. Anh Nguyễn Quang Hùng, quê ở tỉnh Hà Nam, là công nhân tại một công trình xây dựng trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, anh không được người sử dụng lao động hướng dẫn về an toàn lao động và cũng không nghĩ đến vấn đề này vì đi làm thời vụ nay đây mai đó, với anh tiền lương mỗi tháng mới là quan trọng!?

Xử lý nghiêm vi phạm

Từ ngày 10-5-2022, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố kiểm tra 40 doanh nghiệp, công trình xây dựng thực hiện an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ.

Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng, quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều lỗi vi phạm của các doanh nghiệp. Có những đơn vị không huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hoặc chỉ huấn luyện qua loa. Nhiều công trình không thực hiện đúng nguyên tắc trong quy chuẩn xây dựng như che chắn công trình không đúng quy định, hệ thống điện không đạt yêu cầu... Vì vậy, thời gian tới Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra các công trình xây dựng có nguy cơ cao về mất an toàn lao động.

Về phía các địa phương, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang, Đoàn kiểm tra liên ngành UBND quận đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm về an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn lao động trên công trường. Bên cạnh đó, quận chỉ đạo UBND các phường yêu cầu các chủ thầu thực hiện nghiêm việc che chắn và sử dụng các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động trong xây dựng.

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng thông tin, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.166 công trình xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022. Qua đó, lập hồ sơ xử lý 179 trường hợp, xử phạt vi phạm với số tiền gần 4 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị kiểm tra công tác an toàn lao động theo từng lĩnh vực.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đã quy định rất rõ những việc chủ công trình xây dựng phải làm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật lao động của chủ công trình, cùng sự thiếu hiểu biết của người lao động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời xử phạt nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải tự nâng cao kiến thức về an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động mất an toàn lao động tại công trình xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.