Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý quy hoạch - kiến trúc: “Bộn bề” việc cũ, mới

Bảo Hân| 11/08/2022 06:08

(HNM) - Hoàn thiện các đồ án còn tồn đọng; triển khai các đồ án vừa được phê duyệt; đẩy nhanh việc nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội hay khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… đều là những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm cao từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đến các đơn vị chuyên môn trong những tháng cuối năm 2022. Có thể nói, quản lý quy hoạch - kiến trúc ở Hà Nội đang "bộn bề" giữa việc cũ, việc mới.

Hà Nội đang đẩy nhanh việc hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Trong ảnh: Sông Đuống đoạn chảy qua địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Ảnh: Đỗ Tâm

Hoàn tất nhiệm vụ còn tồn đọng

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Sở đã hoàn thành khối lượng lớn công việc quan trọng, đặc biệt là việc trình duyệt một số đồ án quy hoạch lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Song, bên cạnh đó cũng còn một số nhiệm vụ chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị bị chậm, nội dung chưa khả thi. Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư… Ngoài ra, tiến độ thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị cũng chưa đạt yêu cầu.

Đánh giá về quản lý quy hoạch - kiến trúc của thành phố Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh mặt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, nhất là tình trạng điều chỉnh quy hoạch dẫn đến phát triển khu đô thị lộn xộn, mất đi chức năng công cộng phục vụ người dân và làm tăng tải lên hạ tầng. Việc thiếu thiết kế đô thị hay quy chế quản lý kiến trúc làm cho bộ mặt đô thị có chỗ thiếu thẩm mỹ, công tác quản lý xây dựng gặp khó khăn. Ngoài ra, là tình trạng quy hoạch treo gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, thậm chí gây bức xúc dư luận. 

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra vào tháng 7 vừa qua, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn.

“Trên tinh thần đó, trong những tháng cuối năm 2022, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục hoàn thành các đồ án quy hoạch còn tồn đọng, đồng thời thực hiện các đồ án mới, với phương châm “làm đến đâu xong đến đó”, đi đôi với chú trọng quản lý quy hoạch, kiến trúc, bảo đảm giữ đúng định hướng, mục tiêu, hạn chế việc điều chỉnh cục bộ làm giảm diện tích xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng… Một số tồn tại cần giải quyết là sớm lập các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý các khu vực quan trọng; quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ; hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (khu 1, khu 2, khu 3), Quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai (khu 1, 2, 3) và một số quy hoạch xây dựng vùng huyện”, ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.

Thành phố Hà Nội sẽ lập quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ. Trong ảnh: Khu chung cư cũ A1 Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Dồn sức cho nhiều phần việc lớn

Giai đoạn cuối năm 2022 sẽ là bước quan trọng để hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, viện đang phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận hồ sơ, bản vẽ và quy định quản lý theo các đồ án quy hoạch. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ cùng các địa phương nghiên cứu quy hoạch chi tiết từng khu vực.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm những tháng tới là phối hợp với các địa phương lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư với kỳ vọng tiếp nhận được nhiều đóng góp thiết thực, xác đáng cho đồ án này.

Một dấu mốc quan trọng đặc biệt là tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ngay sau đó, thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và các tỉnh liên quan đã bắt tay vào thực hiện. Giai đoạn hiện nay và những tháng cuối năm sẽ là cao điểm để các đơn vị, sở, ngành thành phố, trong đó có cơ quan quy hoạch triển khai khối lượng công việc lớn, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thực hiện dự án.

“Từ đầu tháng 8-2022, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã phối hợp cùng các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn và sớm hoàn tất công việc này tại địa bàn 4 quận, huyện còn lại là Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Oai. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện giúp các địa phương xây dựng phương án và bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng”, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng chia sẻ.

Với khối lượng công việc lớn như vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cùng các đơn vị chuyên môn đều đang nỗ lực triển khai. Có thể nói thời gian tới, công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc sẽ “bộn bề” cả việc cũ, mới, vừa “trả nợ” những đồ án tồn đọng, vừa phải quyết liệt triển khai những dự án, đồ án mới có ý nghĩa đặc biệt với tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội trong chặng đường sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý quy hoạch - kiến trúc: “Bộn bề” việc cũ, mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.