Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng loạt sai phạm khi cấp đất giãn dân

Thiện Mỹ| 28/04/2010 06:37

(HNM) - Việc cấp đất giãn dân ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên đã được xét duyệt xong từ những năm 2006, 2007 và người dân cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Không ít gia đình đã xây nhà ở, có nhà đã bán… nhưng đến nay nhiều sai phạm của một số cán bộ, lãnh đạo địa phương mới bị lật tẩy, khiến người dân lo lắng về quyền lợi của mình.

Năm 2006, UBND xã Quang Trung xét duyệt đất giãn dân cho 36 hộ và tạm thu hơn 2,9 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Sau khi có quyết định của UBND huyện về mức tiền người dân phải nộp, xã Quang Trung đã phải trả lại 59 triệu đồng tiền thu thừa của các hộ. Với số tiền thu được trong đợt cấp đất giãn dân này, UBND xã đã báo cáo Thường trực Đảng ủy xã và đem 2.296.000.000 đồng gửi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia thành 2 sổ tiết kiệm. Tháng 9-2006, ông Phan Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp rút hơn 42 triệu đồng tiền lãi để chi dùng vào một số công việc của chính quyền, không nộp vào ngân sách xã.

Mặc dù UBND huyện chưa có quyết định thu hồi đất nông nghiệp để cấp đất giãn dân, nhưng tháng 10-2007, UBND xã Quang Trung đã xét duyệt đối tượng và tạm thu của 68 hộ với tổng số tiền 5.875.232.000 đồng. Sau 3 tháng thu tiền của người dân, tháng 12-2007, UBND huyện Phú Xuyên mới ban hành quyết định 3960, thu hồi 7.984,5m2 đất nông nghiệp của xã Quang Trung để cấp đất giãn dân cho các hộ. Lấy lý do cần tiền để trang trải cho các công trình của địa phương, UBND xã đã tự mở rộng đối tượng được xét cấp đất giãn dân. Theo hướng dẫn số 268, ngày 27-4-2007 về trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin thu hồi đất, giao đất làm nhà ở của UBND huyện Phú Xuyên, thì tiêu chuẩn được xét cấp đất là phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Thế nhưng trong số 68 hộ được cấp đất nói trên, có đến 23 hộ dân không đúng với tiêu chí của huyện. Lý giải vấn đề này, ông Phan Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: "Do xã cần khoảng 15 tỷ đồng để trang trải cho các công trình xây dựng, trong khi đó người dân địa phương ít có nhu cầu mua đất giãn dân, nên Đảng bộ, HĐND, UBND xã đã thống nhất kêu gọi cả những người ngoài đến mua…". Điều đáng nói, tiêu chuẩn được cấp đất sai là rất rõ ràng, song không hiểu vì lý do gì mà khi thẩm định, Phòng Tài nguyên - Môi trường vẫn cho qua?

Số tiền thu được từ việc cấp đất giãn dân năm 2007, UBND xã nộp Kho bạc Nhà nước 5.029.240.000 đồng và tự ý giữ lại 845.940.500 đồng. Trong đợt kiểm tra vào cuối tháng 11-2009, đoàn kiểm tra của huyện Phú Xuyên đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Quang Trung, kế toán và thủ quỹ phải nộp số tiền đó vào Kho bạc Nhà nước trước ngày 31-12-2009, nhưng đến nay mới chỉ nộp được 402 triệu đồng, còn hơn 443 triệu đồng xã đã ứng chi cho một số công trình và một số khoản chi thường xuyên của xã.

Với những sai phạm của xã Quang Trung, UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những sai phạm. Đề cập đến hướng xử lý đối với 23 trường hợp cấp đất giãn dân sai, ông Nguyễn Cộng Hòa, Chánh Thanh tra huyện Phú Xuyên cho rằng: Nếu thu hồi lại đất thì xã sẽ không có tiền để trả cho các hộ dân, vì đã dùng thanh toán cho các công trình. UBND huyện đã yêu cầu xã Quang Trung rà soát lại nhu cầu sử dụng đất của 23 hộ đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế, huyện sẽ có hướng giải quyết phù hợp.

Số tiền chi tiêu sai nguyên tắc gần 500 triệu đồng mà huyện Phú Xuyên yêu cầu UBND xã, trực tiếp là ông Phan Quốc Hưng phải thu hồi, nộp vào ngân sách có khả thi hay không là câu hỏi nhiều người dân đang đặt ra; rồi Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện không phải chịu trách nhiệm gì trong việc thẩm định 23 trường hợp cấp đất giãn dân sai liệu đã đúng chưa? Người dân đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng của UBND huyện Phú Xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt sai phạm khi cấp đất giãn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.