Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp trẻ lang thang cơ nhỡ: Cần biết khơi dậy niềm tin

Lâm Vũ| 27/07/2013 07:58

(HNM) - Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có hàng vạn trẻ em lang thang cơ nhỡ. Dù đã được cải thiện ít nhiều, cuộc sống của các em còn rất khó khăn...

Theo kết quả điều tra của Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đối với hơn 800 trẻ lang thang cơ nhỡ, khó khăn lớn nhất của các em liên quan đến điều kiện học tập (56,6%), chỉ có một bộ phận được đi học (đa số là trẻ đang sống trong sự bao bọc của các tổ chức nhân đạo). Tuy nhiên, ngay cả khi được đi học thì các em cũng chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Một số trẻ đường phố từng được đi học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã phải rời trường. Một em nữ 15 tuổi, lớp 9, Trường Thanh Quan, Hà Nội chia sẻ: "Em không có tiền để đi học thêm. Nhiều lúc lớp tổ chức đi tham quan, đi xem phim, em rất xấu hổ vì không có tiền đóng. Lớp em toàn các bạn gia đình khá giả, giàu có nên em cảm thấy rất tự ti, thường xa lánh mọi người".

Cách giúp đỡ thiết thực đối với trẻ lang thang, cơ nhỡ là thúc đẩy sự tự tin để các em có thể vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Quỳnh Hoa



Gần 1/3 số trẻ được hỏi cho rằng khả năng tiếp thu kiến thức của mình kém, nguyên do là không được học tập cẩn thận từ đầu nên bị hổng kiến thức, càng học lên cao càng khó khăn. Nhiều trẻ thích chơi, lang thang nên đi học cảm thấy rất gò bó. Một em nam 11 tuổi, lớp 2, ở khu bãi sông Hồng (Hà Nội) tâm sự: "Em chẳng biết làm gì ngoài việc làm thuê, lau nhà cửa, dọn vệ sinh, rửa bát, bưng bê ở quán cà phê, quán bia dù lương rất thấp. Em không thể học được, em rất ngại đi học".

Trẻ lang thang gặp khó khăn về ăn ở. Chỗ ở không ổn định, nay đây mai đó nên các em luôn phải đối diện với hiểm họa. Khi lang thang trên đường phố để kiếm sống, tâm lý đa số khá hoang mang, nhiều trẻ sợ bị theo dõi, bắt bớ, thu gom. Những trẻ ngủ trên đường phố có nhiều nguy cơ gặp nguy hiểm hơn so với các em ngủ với gia đình, thường bị mất cắp, bị đánh đập hoặc bị trấn lột.

Đa số trẻ lang thang chịu thiếu thốn về mặt tình cảm, nhất là những em sống cùng nhóm trẻ đường phố hay sống trong các mái ấm tình thương. Theo kết quả nghiên cứu, 35,6% nói rằng mình rất cô đơn. Một số trẻ lang thang vì gia đình ruồng bỏ hoặc gia cảnh quá khó khăn, không được đáp ứng nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, học đã đành, chúng còn phải đối diện với định kiến và chấp nhận thái độ ghẻ lạnh của nhiều người khi tiếp xúc. Với bề ngoài lộ vẻ bướng bỉnh, đôi khi là bất cần, các em thường bị xa lánh, thậm chí bị đánh đập hoặc bị giao cho cảnh sát, và vì thế trẻ lang thang khó tin vào người khác, ngại giao tiếp với mọi người.

Kết quả nghiên cứu về khả năng thích ứng của trẻ lang thang cơ nhỡ cho thấy các em thiếu tự tin vào khả năng giải quyết những vấn đề hiện tại. Cụ thể, chỉ có 42,4% cho rằng cuộc sống của các em là do các em tự quyết định bằng sự nỗ lực và ý chí vươn lên của bản thân, 51% cho rằng chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, họ hàng, gia đình, hàng xóm. Đặc biệt, có 4,8% tin rằng cuộc sống của mình phụ thuộc vào may rủi. Một em nữ 16 tuổi, lớp 5, ở Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Em không biết mình có đủ dũng khí để vượt qua khó khăn không". Một em gái khác, 14 tuổi, lớp 4, cũng ở Giáp Nhị, nói: "Em rất ngại khi có ai đó hỏi em học lớp mấy, trường gì. Những lúc ấy, em chỉ biết quay mặt đi".

Trẻ lang thang cơ nhỡ thuộc nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Do khả năng thích ứng kém nên cuộc sống của các em đã khó khăn càng khó khăn hơn nữa. Với nhóm trẻ này, cách giúp đỡ thiết thực không chỉ là cho cái ăn, cái mặc và giúp chúng có cơ hội học hành mà điều quan trọng nữa là tìm giải pháp khôi phục lòng tin, thúc đẩy sự tự tin, giúp trẻ có thêm quyết tâm cao và ý chí mạnh mẽ để vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp trẻ lang thang cơ nhỡ: Cần biết khơi dậy niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.