Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay giữ gìn bình yên sông nước

Hà Hiền| 31/07/2016 06:21

(HNM) - Mùa mưa bão, mực nước trên các sông, suối, ao hồ dâng cao, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường thủy.

Trước tình hình đó, ngày 13-7-2016, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4152/UBND-ĐT yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới. Để bảo đảm ATGT đường thủy, ngoài việc thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật có liên quan một việc vô cùng quan trọng khác là cần nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) đường thủy.


Bến phà Vạn Phúc, xã Vạn Phúc (Thanh Trì). Ảnh: Anh Tuấn


Chưa được quan tâm đúng mức

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, VHGT trước hết được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật và tuân theo chuẩn mực về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. VHGT gồm 3 tiêu chí là nhận thức, hành động, ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác trong quá trình tham gia GT; có thái độ văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm GT và phải có tinh thần “thượng tôn” pháp luật.

So với khung tiêu chí này, VHGT đường thủy trên địa bàn Hà Nội chưa hình thành rõ nét. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngoài việc vi phạm quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa, hầu hết các bến đò ngang qua sông Hồng không có bảng, biển hướng dẫn người tham gia GT nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; chủ các thuyền, đò cũng không nhắc nhở hành khách chú ý bảo đảm an toàn. Người tham gia GT hoặc do chủ quan, hoặc không chú ý đến nguy cơ mất an toàn, “vô tư” ngồi trên những con đò chòng chành băng qua dòng nước chảy xiết, mà không yêu cầu chủ đò trang bị các phương tiện an toàn. Lo ngại hơn, đa số người dân cư trú ven sông, thường xuyên tham gia GT đường thủy cũng không chủ động trang bị phương tiện phòng tránh rủi ro cho bản thân và gia đình. Bà Nguyễn Thị Hải, khu dân cư số 6, xã Phú Cường (Ba Vì) thừa nhận: “Nhiều năm nay, sáng nào tôi và hàng trăm người dân gần bến đò Chiểu Dương, xã Phú Cường cũng đi đò sang TP Việt Trì (Phú Thọ) buôn bán, chiều lại về. Biết lượng phao, áo phao có sẵn không thể đủ cho tất cả hành khách khi cần, nhưng chúng tôi chưa bao giờ mang theo thiết bị làm nổi”.

Hà Nội có gần 300km đường sông và hàng trăm ao, hồ lớn nhỏ nằm xen kẽ, nhưng rất hiếm địa phương xây dựng mô hình VHGT đường thủy, vì mục tiêu bình yên sông nước và triển khai thực hiện song song, lồng ghép với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Quy ước xây dựng đời sống văn hóa mới của các làng, xã ven sông Hồng thuộc huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Đan Phượng… cũng không có điều khoản, chương mục nào hướng dẫn cộng đồng cách ứng xử với sông nước. Điều đó phần nào lý giải vì sao một số người dân dửng dưng trước tình trạng khai thác cát trái phép ồ ạt trên sông, đổ trộm phế thải, lấn chiếm ao hồ…, dù ai cũng biết hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng tới ATGT đường thủy.

Xây dựng văn hóa ứng xử từ cộng đồng dân cư

Thực tế chứng minh, bất cứ việc gì, chỉ cần có sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng thì hiệu quả sẽ rất cao. Xây dựng VHGT, góp phần mang lại sự bình yên sông nước, dù rất khó thực hiện cũng không phải là ngoại lệ.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, cán bộ UBND xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, sự thay đổi sau 5 năm (2010-2015) thực hiện phong trào “VHGT với bình yên sông nước” ở khu vực bến đò Văn Đức khiến nhiều người ngạc nhiên. Toàn bộ phương tiện vận chuyển không đạt chuẩn buộc phải dừng hoạt động, thay vào đó là phương tiện an toàn, đầy đủ thiết bị cứu sinh. Hệ thống bảng, biển hướng dẫn hành khách chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa và nội quy của bến đò được lắp đặt ở những vị trí dễ quan sát. Người đi đò chỉ phải trả mức phí theo đúng quy định với 2.000 đồng/người/lượt; 3.000 đồng/người/lượt, nếu đi xe đạp; mức 4.000 đồng/người/lượt, đi xe máy; 5.000 đồng/2 người/lượt, nếu đi cùng 1 xe máy, thấp hơn nhiều lần so với các bến đò khác. Có được kết quả này là nhờ, đa số người dân xã Văn Đức được tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa. Khi đã hiểu luật rồi, không cần vận động họ vẫn tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia GT. Tình hình an ninh trật tự, ATGT khu vực bến đò Văn Đức cũng chuyển biến rất tích cực. Ông Nguyễn Văn Thái mong muốn các cơ quan chức năng triển khai sâu rộng phong trào “VHGT với bình yên sông nước” hoặc các phong trào tương tự để đông đảo người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm ATGT đường thủy, giữ bình yên trên những tuyến sông.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy nội địa, Sở GT-VT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về GT đường thủy đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sống gần sông nước, giúp nhân dân có “nền tảng” xây dựng VHGT đường thủy. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết thêm, khu vực bến tàu, thuyền là địa điểm sẽ được định hướng cách ứng xử theo những quy tắc mang tính chuẩn mực trong bộ “Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng”. Đến khu vực này, mọi người nên giữ gìn an ninh, trật tự, tôn trọng quy định chung, không chen lấn, xô đẩy, không tranh giành khách… Ngoài quy tắc chung, địa phương nào có nguyện vọng bổ sung nội dung xây dựng VHGT đường thủy vào quy ước VH, Sở VH-TT Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để địa phương đó thực hiện.

Hà Nội - thành phố trong sông, từ ngàn xưa đã thế và ngày nay vẫn thế. Những dòng sông rộng lớn, thơ mộng, bình yên không chỉ gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô, mà còn là môi trường, không gian duy trì, nuôi dưỡng nhiều di sản quý, tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng cho Hà Nội. Bởi vậy, việc cộng đồng chung tay giữ gìn bình yên sông nước được ví như một "mũi tên bắn trúng hai đích", vừa chủ động phòng tránh tai nạn GT, vừa giữ gìn môi trường văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giữ gìn bình yên sông nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.