Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng lạm dụng bảo mật để không công khai thông tin

Bảo Hân| 22/11/2017 18:02

(HNMO) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu khác cùng đồng tình về hai xu hướng trái ngược nhau hiện nay: Lộ bí mật nhà nước và lạm dụng bảo mật.

Cần bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 6 dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung hành vi phát ngôn có nội dung bí mật nhà nước. Người phát ngôn trong trường hợp này không được các cơ quan quản lý cử làm người phát ngôn chính thức theo quy định của pháp luật.

"Thực tế hiện nay, việc làm lộ, lọt thông tin bí mật nhà nước liên quan đến phát ngôn của các cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức khá nhiều, dù trong Đảng đã có quy định về kỷ luật phát ngôn" - đại biểu nêu.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang)


ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu một thực tế khác là việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có sử dụng trao đổi thông tin bí mật nhà nước chưa được kiểm soát chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn..., dẫn đến nguy cơ bị lộ bí mật nhà nước là rất cao.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước, nhằm hạn chế tối đa việc lộ thông tin, bí mật nhà nước thông qua các hoạt động này.

Báo cáo số 32 của Bộ Công an về tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước đánh giá: Trong những năm qua, tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước còn diễn biến nghiêm trọng, gia tăng cả về số vụ, số người, tính chất và mức độ vi phạm. Việc lộ, lọt bí mật nhà nước dưới nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, xuất bản và các kênh quốc tế... ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị bổ sung hành vi cấm là "Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước".


ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cũng đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là "Tùy tiện cung cấp, sử dụng trái pháp luật các thiết bị điện tử có khả năng phát tán, thu thập dữ liệu gây lộ, lọt bí mật nhà nước".

Cần hạn chế tối đa vi phạm bí mật nhà nước

Đồng tình với phát biểu của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra 2 xu hướng gây lộ, lọt bí mật nhà nước. Xu hướng thứ nhất là nhiều văn bản mật của những cơ quan quan trọng đã được chụp đưa lên mạng. Xu hướng thứ hai là tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật thì chậm rà soát, sửa đổi. Đại biểu nêu thực trạng: "Vẫn còn có những danh mục mật từ năm 2004 đến nay đang được dùng. Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga


"Như chúng tôi đã nêu trong báo cáo thẩm tra về phòng, chống tham nhũng, tình trạng chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai còn tồn tại ở nhiều cơ quan bộ, ngành. Việc này sẽ ảnh hưởng đến nhà nước, tổ chức công dân, cũng như công tác phòng, chống tham nhũng và có thể đẩy người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp" - ĐB Lê Thị Nga nêu.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, cần phải quy định rõ ràng, minh bạch các điều: Điều 2 là khái niệm, Điều 8 là phân loại và Điều 10 là danh mục bí mật nhà nước, Điều 6 là điều cấm.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, trong xu hướng cải cách hành chính, việc công khai, minh bạch để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp nhận thông tin như hiện nay vẫn cần hạn chế tối đa phạm vi bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước. Vì vậy, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ban hành danh mục bí mật nhà nước tại Điều 10 Khoản 4 là không phù hợp. Đại biểu đề nghị cần gia công hơn và nên quy định cụ thể trong Luật.

ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cũng đề xuất cần khoanh định và phân định lại cho rõ những vấn đề, thông tin thuộc loại bí mật nhà nước, nếu không sẽ xâm phạm và có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. 

"Điều 4 dự án Luật có 5 Khoản thì khoản 2 và Khoản 5 đã nêu rất rõ là việc bảo vệ bí mật nhà nước không xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân cũng như xâm hại đến quyền tiếp cận của công dân. Tôi cho rằng nguyên tắc này ghi trong dự thảo Luật nếu được thông qua thì hết sức quan trọng. Vấn đề là từ nguyên tắc đó chúng ta cần cụ thể hóa những loại thông tin gì để các cơ quan công quyền có thể chia sẻ cho người dân biết và đồng hành với chính quyền. Như vậy, không những chúng ta bảo vệ được bí mật nhà nước mà qua đó còn tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng chính quyền" - ĐB Ngô Đức Mạnh phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng lạm dụng bảo mật để không công khai thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.