Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục sự cố đê điều sau mưa lũ

Kim Nhuệ| 24/11/2017 06:59

(HNM) - Mùa mưa bão năm 2017, các tuyến đê của TP Hà Nội xảy ra 60 sự cố sạt lở, hư hỏng, tăng 17 sự cố so với năm 2016.


Sự cố sạt lở đê hữu Hồng, đoạn xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) có tính chất đặc biệt nguy hiểm, đe dọa an toàn công trình.


Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Mùa mưa bão năm 2017, trên các tuyến đê đi qua 14 quận, huyện, thị xã xảy ra 60 sự cố. Cụ thể, tuyến đê hữu Hồng xảy ra 5 sự cố; Vân Cốc 2; hữu Đuống 1; tả Đuống 2; tả Đáy 4; hữu Bùi (thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ) 24; hữu Đáy, Mỹ Hà, đê hồ Quan Sơn, đê bao thuộc huyện Mỹ Đức 12; hữu Tích (thuộc địa bàn huyện Quốc Oai) 6; đê sông Nhuệ 2, sông Duy Tiên 1 và tuyến đê bao Bạch Hạc xảy ra 1 sự cố. Trong đó, nhiều hư hỏng được đánh giá có mức độ đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, như sự cố sạt lở mái đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Cổ Đô, sạt lở mái kè Phú Cường (huyện Ba Vì); sạt lở mái chân đê hữu Hồng ở hạ lưu xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì); lún sụt đỉnh kè Liên Hồng, sạt lở bờ bãi sông xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng)…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, nguyên nhân dẫn đến các sự cố trên là mưa lớn kéo dài, mực nước sông dâng cao, dòng chảy áp sát, địa chất nền đê yếu, mái đê dốc… Đặc biệt, ý thức và trách nhiệm bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi của một số người dân và chính quyền cấp cơ sở hiện nay rất hạn chế. Cụ thể, sự cố sạt lở mái kè đoạn xã Phú Cường (huyện Ba Vì), sự cố sạt lở bờ bãi sông đoạn xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng)… có nguyên nhân quan trọng là nước thải sinh hoạt của hộ dân sinh sống xung quanh xả vào. Tình trạng bừa bãi “rút ruột” lòng sông, tập kết cát sỏi với khối lượng lớn trên bãi sông... cũng là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố đê điều. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại công trình phòng, chống thiên tai diễn ra phổ biến trên các tuyến đê, tuyến sông… là tác nhân quan trọng làm gia tăng sự cố đê điều… Thống kê, trên địa bàn thành phố hiện còn tồn đọng hơn 10.000 vụ vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi.

Khắc phục sự cố đê điều, các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai… đã huy động hàng chục nghìn người, phương tiện, vật tư tại chỗ gia cố, bảo vệ đê. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để bảo đảm các tuyến đê, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, liên sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính đang tập trung kiểm tra, đánh giá mức độ của từng sự cố, đề xuất UBND thành phố biện pháp xử lý. Quan điểm của TP Hà Nội là bố trí đủ nguồn lực đầu tư kiên cố công trình phòng, chống thiên tai có tính cấp bách. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã phải quyết liệt xử lý vi phạm đê điều, thủy lợi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục sự cố đê điều sau mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.