Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong

Minh Huệ| 13/03/2018 16:43

(HNMO) - Đó là thông tin được ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 13-3.


Theo ông Lê Tuấn Định, qua thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở chưa được thường xuyên và nghiêm túc; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong các hồ sơ pháp lý về môi trường...

Năm 2017, Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã xác định có 187 “điểm đen”, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường trong đó có lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch... Trên cơ sở đó, năm 2018, Sở TN&MT Hà Nội sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các “điểm đen”, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn thành phố để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 13-3


Bên cạnh đó, năm qua, thành phố thực hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C đối với 86 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh tại 49 hồ và máy sục khí tại 30 hồ, nạo vét bùn 6 hồ (Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, Cầu Tình, Kim Liên lớn và nhỏ, Hồ Trúc Bạch (phần eo hồ) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ. Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục duy trì, nhân rộng việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, đồng thời tiến hành triển khai nạo vét cải tạo hồ Tây nhằm giảm lượng bùn thải, tăng lượng ôxy cho hệ sinh thái dưới nước.

Ngoài ra, trong năm 2017, Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, trong đó đã triển khai thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng bằng việc thử nghiệm chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại đồng để làm phân bón hữu cơ cho đồng ruộng. Kết quả cho thấy, chính quyền địa phương và nông dân rất quan tâm và nghiêm túc thực hiện, hiệu quả của chế phẩm sử dụng cho kết quả cao.

Đáng ghi nhận, năm 2017, thành phố đã triển khai chương trình sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong. Theo đó đã tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong và nhu cầu, nhận thức của người dân đối với các loại bếp để từ đó đề xuất giải pháp thay thế, không sử dụng bếp than tổ ong. Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với các tổ chức, viện nghiên cứu để tìm kiếm, đánh giá các bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn môi trường, an toàn và hiệu quả để thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn quận Ba Đình.

Ông Lê Tuấn Định cho biết, năm 2018, một trong những giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường ở Thủ đô là huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, tập trung vào tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen đốt rơm rạ theo lộ trình: Năm 2018 - phường, xã không đốt rơm rạ; năm 2019 - quận, huyện không đốt rơm rạ; năm 2020 - thành phố không đốt rơm rạ. Đồng thời, thành phố triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền bảo đảm mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn, thân thiện môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.