Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa mưa lại lo ngập!

Thanh Hải| 17/05/2018 06:52

(HNM) - Trận mưa lớn tối 12-5 đã làm nhiều tuyến đường Thủ đô Hà Nội tê liệt, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân là do lượng mưa quá lớn, dồn dập trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước của thành phố quá tải.

Để khắc phục, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã huy động lực lượng ứng trực khơi thông dòng chảy; bố trí máy bơm di động, xe hút đưa nước mưa thoát nhanh vào hệ thống chung của thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần có đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước để xóa nỗi lo ngập mỗi khi mùa mưa tới.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội dùng thiết bị cơ giới chống ngập trong cơn mưa lớn tối 12-5. Ảnh: Ngọc Hải


Vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống

Diễn ra trong gần 2 giờ với cường độ lớn, trận mưa đầu mùa tối 12-5 đã khiến nhiều khu vực nội thành Hà Nội chìm trong "biển" nước. Một số tuyến đường như ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Phạm Văn Đồng (khu vực đang thi công đường Vành đai 3 mở rộng trước trụ sở Bộ Công an)... ngập sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển.

Tại một số khu đô thị phía Tây Hà Nội, như: Geleximco (đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh, Bắc An Khánh... cũng trở thành "ốc" đảo, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Giải thích nguyên nhân, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, mưa lớn vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống. Lượng mưa đo được tại các quận: Hoàn Kiếm là 70mm, Đống Đa 91mm, Thanh Xuân 138,6mm, Cầu Giấy 111,4mm, Hà Đông 138,9mm...

Trong khi với các quận nội thành, hệ thống thoát nước mới chỉ đáp ứng được khả năng tiêu thoát lượng mưa 70mm/2 giờ. "Với cơn mưa có cường độ lớn hơn 100mm trong gần 2 giờ, việc úng ngập trên diện rộng là bất khả kháng", ông Lê Vũ Quảng Sương nói.

Ngoài việc quá tải, nhiều nơi trên địa bàn thành phố hiện chưa có hệ thống thoát nước. Ông Nguyễn Đăng Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) cho biết, trước đây nước mưa từ trong khu dân cư tự chảy theo kênh dẫn ra cánh đồng. Song hiện nay, các cánh đồng được thay thế bằng khu đô thị có cốt nền cao, có nơi hơn 2m so với đường cũ, do vậy khi mưa lớn nước từ khu đô thị chảy ngược vào làng, xóm nên ngập lụt là khó tránh khỏi.

Nhận xét về sự bất cập trong quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, các khu đô thị phía Tây Hà Nội, dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long sẽ còn úng ngập khi hệ thống tiêu thoát nước chưa được quan tâm đầu tư cùng với phát triển đô thị.

"Đây không phải là lần đầu và tình trạng ngập lụt sẽ còn diễn ra, vì khi xây dựng khu đô thị chủ đầu tư không quan tâm đến cốt nền, không quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khớp nối với hạ tầng khu vực...", ông Phạm Thanh Tùng nêu.

Phải đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước

Tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) ngập sâu trong trận mưa lớn tối 12-5. Ảnh: Anh Tuấn


Để khắc phục úng ngập khi mưa lớn, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn cử lực lượng ứng trực tại các trọng điểm ngập để khơi thông dòng chảy, hướng dẫn giao thông; huy động xe hút, máy bơm bơm cưỡng bức nước mưa vào hồ điều hòa, hệ thống mương, sông thoát nước của thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần có sự đầu tư đồng bộ để nâng khả năng tiêu thoát nước của hệ thống tương ứng với những trận mưa cường độ lớn.

Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, khu vực quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy, nơi có một số điểm úng ngập nghiêm trọng, dự kiến trong quý II-2018 sẽ khởi công dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước. Riêng điểm ngập trên phố Phan Văn Trường, thành phố đã giao cho Công ty lập dự án đầu tư khắc phục.

Hiện, phương án thiết kế đã được đơn vị trình Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Đơn vị cũng đã báo cáo thành phố tiếp tục đầu tư các dự án thoát nước, tuyến cống nhánh nối với các khu đô thị và tuyến đường vành đai; đẩy nhanh tiến độ thi công Trạm bơm Liên Mạc với công suất lớn để thoát nước cho lưu vực sông Nhuệ...

Ngoài ra, ông Sương cũng đề nghị người dân không đặt túi ni lông, vật cản, bịt miệng thoát nước; không để rác tại rãnh, vỉa hè... Thực tế, khi trời mưa, đây chính là vật cản, bịt các miệng thu làm cho nước mưa thoát chậm.

Một vấn đề nữa là các nhà hàng, điểm kinh doanh rửa xe, sửa xe đang xả thải nhiều dầu mỡ vào hệ thống thoát nước của thành phố. Dầu mỡ không tan trong nước, bám vào thành cống, trở thành nguyên nhân gây tắc hệ thống thoát nước.

"Chúng tôi đã thử nghiệm thiết bị tách dầu mỡ tại một nhà hàng, trong 1 tháng thu được hơn 150kg dầu mỡ. Vì vậy, chúng tôi rất mong các nhà hàng, khách sạn, điểm kinh doanh ăn uống, sửa chữa xe... cùng chung tay với thành phố, đầu tư thiết bị tách dầu mỡ từ nước thải trước khi xả vào hệ thống. Việc này vừa bảo vệ hệ thống thoát nước, vừa góp phần bảo vệ môi trường", ông Lê Vũ Quảng Sương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa mưa lại lo ngập!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.