Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc thận trọng quy định chấp hành hình phạt tiền khi xét đặc xá

B.H| 21/05/2018 17:14

(HNMO) - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, có những người mặc dù cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

Qua 10 năm thi hành, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân; trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định; công tác hòa nhập cộng đồng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư vào công tác cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%).

Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 3 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.


Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.


Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Uỷ  ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, một số tài liệu trong hồ sơ dự án Luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Qua phản ánh của cử tri cho thấy, còn có ý kiến băn khoăn công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Qua đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Luật sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá, đồng thời tránh việc hiểu sai đặc xá ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ.

Về một số điều kiện cụ thể đề nghị xét đặc xá trong dự thảo Luật, trong đó có điều kiện "đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác", Uỷ ban Tư pháp bày tỏ quan điểm, Luật Đặc xá hiện hành quy định chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm. Quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Mặt khác, về bản chất, đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người chấp hành án phạt tù, bên cạnh ý nghĩa là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước thì chế định đặc xá còn có mục tiêu khuyến khích người chấp hành án phạt tù cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Việc đặc xá cũng tạo cơ hội cho họ sau khi được trả tự do có điều kiện lao động để thi hành nghĩa vụ dân sự. Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc thận trọng quy định chấp hành hình phạt tiền khi xét đặc xá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.