Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập

Nhóm PV HNMO - Ảnh: Hữu Tiệp| 06/07/2018 13:55

(HNMO) - Bắt đầu từ 14h chiều nay (6-7), dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội khóa XV chuyển sang nhóm vấn đề quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn.


Phát biểu đầu phiên chất vấn sáng nay, giải thích về việc lựa chọn nhóm vấn đề này để chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, hiện đã có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển. Trên thực tế, số trường ngoài công lập tăng rất nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát, cử tri quan tâm đến công tác quản lý còn nhiều bất cập dẫn đến hoạt động của cơ sở giáo dục còn nhiều tồn tại, chất lượng giáo dục chưa tương xứng với đóng góp của nhiều phụ huynh học sinh… Vì vậy, việc chất vấn để tìm ra giải pháp tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát huy hết thế mạnh của mình là cần thiết.

Phiên chất vấn chiều nay vẫn diễn ra theo hình thức "hỏi nhanh, đáp gọn" như sáng nay. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu đặt câu hỏi rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung.

Đáng chú ý, sau phần nêu thông tin giải đáp của các Phó Chủ tịch UBND thành phố, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung sẽ trực tiếp tiếp thu, giải trình những ý kiến đại biểu nêu.

Nhiều câu hỏi chất vấn về giáo dục và đào tạo

ĐB Vũ Mạnh Hải (Thường Tín): Qua giám sát của ban văn hóa-xã hội, chúng tôi nhận thấy có một số chủ, giám đốc chưa thực hiện đúng quy định về việc báo cáo thay đổi với cơ quan quản lý giáo dục địa phương, có trường hợp chuyển nhượng lớp học tư thục nhưng không điều chỉnh hồ sơ, không báo cáo các cấp quản lý, có nơi cấp quản lý không biết hoặc biết nhưng làm ngơ. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra giải pháp.

ĐB Hoàng Tú Anh (Đan Phượng) đặt câu hỏi: Đội ngũ giáo viên, nhân viên ở một số trường có chất lượng chưa ổn định, ở một số trường mầm non, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thấp, đạt 22,6%, nguyên nhân, trách nhiệm của sở và hướng giải quyết trong thời gian tới.

ĐB Đỗ Thùy Dương đặt vấn đề: Cán bộ quản lý cấp trung gian, cụ thể là cấp quận huyện thị xã thiếu năng lực trong vấn đề đánh giá các tài liệu, phương pháp giáo dục có yếu tố nước ngoài, dẫn đến việc sử dụng quyền lực sai mục đích. Vậy với tư cách là sở chuyên ngành, sở tham mưu cho thành phố về vấn đề này như nào?

ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (Đông Anh): Một số trung tâm ngoại ngữ, trường học liên kết đào tạo ngoại ngữ sử dụng giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài, không ký kết hợp đồng lao động, không đảm bảo trình độ, đặc biệt còn có nơi mời khách du lịch nước ngoài ngắn hạn về để dạy ngoại ngữ. Đề nghị giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.

ĐB Nguyễn Minh Tuân (Tây Hồ): Từ năm 2012 đến tháng 6-2017, toàn thành phố đã xây mới và thành lập 211 trường, trong đó có 71 trường ngoài công lập. Tuy nhiên việc công khai chất lượng kiểm định còn chưa tốt khiến phụ huynh, thiếu thông tin, chưa an tâm về việc gửi con em. Đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

6 đại biểu đặt câu hỏi đều chưa thỏa mãn câu trả lời

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Mạnh Hải về có giáo viên hoạt động không khai báo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, theo phân cấp quản lý, UBND các cấp huyện, thị xã, thị trấn phải tăng cường công tác kiểm tra để nắm bắt tình trạng nêu trên. Cơ quan quản lý địa phương đã yêu cầu công khai tên các nhóm trẻ, nhóm trưởng của các nhóm này trên website để người dân giám sát…

Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn.


Về câu hỏi của đại biểu Tú Anh về việc hiện nay một số nhóm mầm non, nhóm trẻ không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), sử dụng nhóm giáo viên trẻ chưa ổn định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Theo việc phân cấp hiện nay, 100% các trường, nhóm lớp được xã, phường cấp phép. Về cơ bản, các trường mầm non tư thục giáo viên được đóng bảo hiểm". 

Tuy nhiên, đối với các nhóm lớp giáo viên không ổn định, tỉ lệ đóng bảo hiểm thấp. Lý do của việc này là các khu dân cư, công nghiệp tăng nhanh, các trường, lớp công lập không đáp ứng kịp nên các trường, lớp, các nhóm lớp tư thục ra đời để đáp ứng nhu cầu cha mẹ học sinh. 

Nhiều nhóm lớp không ổn định về số trẻ, đội ngũ giáo viên, học phí, thu nhập thấp… dẫn đến thu nhập của giáo viên chưa cao, nên nhiều giáo viên (thường là giáo viên mới ra trường) không đóng BHYT. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều nhóm lớp tư thục giúp cho chủ nhóm lớp trao đổi khắc phục khó khăn nói trên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị khi phê duyệt quy hoạch khu chung cư cao tầng, chế xuất, công nghiệp phải có quy hoạch khu trường học, mầm non…

Liên quan đến câu hỏi một số trường không có giáo viên, chuyên viên ngoại ngữ, ông Chử Xuân Dũng cho biết: "Về nội dung liên kết, bổ trợ, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về hướng dẫn thẩm định giáo trình, dạy bổ trợ cho các đơn vị. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định nội dung giáo trình, các đơn vị trung tâm ngoại ngữ triển khai các nội dung dạy bổ trợ, nâng cao năng lực nghe và nói cho học sinh. Các nhà trường xây dựng đề án thông qua phòng Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng cha mẹ học sinh theo đúng quy trình".

Tuy nhiên, có trường hợp đơn vị sau khi cấp phép giao trắng việc đó cho đơn vị đối tác, nhà trường chưa đi sâu vào việc quản lý chặt chẽ. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm hiệu trưởng các đơn vị.

Về vấn đề liên kết ngoại ngữ, ông Chử Xuân Dũng khẳng định, việc thẩm định giáo viên tại các trung tâm dạy ngoại ngữ, khi vào trường dạy phải có đủ giấy phép, có đủ năng lực. Các trường thường xuyên có sự thay đổi đội ngũ giáo viên và thông báo kết quả học tập của học sinh cho phụ huynh học sinh. Vì thế, trường hợp giáo viên tiếng Anh không bảo đảm như đại biểu nêu chỉ là việc hãn hữu.

Sau câu trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, 6 các đại biểu đặt câu hỏi đã không thoả mãn câu trả lời và đều có những phản biện lại.

Đại biểu Thuỳ Dương đặt vấn đề: "Có nhất thiết phải đặt áp lực thi cử lớn như vậy cho học sinh cấp 2 hay không?". Về câu hỏi này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời bằng văn bản.

Đại biểu Tú Anh phản biện: "Câu trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý của sở". Đại biểu này đề nghị làm rõ công tác thanh tra, kiểm tra những vi phạm để giải quyết tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân chất vấn: "Năm học 2016 - 2017 có 35 trường kiểm định thì 90% trường đạt tiêu chuẩn cấp 1, đề nghị sở cho biết còn bao nhiêu trường công lập chưa được kiểm định?".

Đại biểu Vũ Mạnh Hải đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nói rõ sự phối hợp giữa sở với các phòng Giáo dục và Đào tạo của quận, huyện, địa phương?

Tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết: "Sở đã có văn bản cụ thể hướng dẫn những nội dung cấp phép cho những nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo tư thục".

Về vấn đề kiểm định trường công lập, tư thục, ông Chử Xuân Dũng cho biết, công tác kiểm định mới thực hiện, dù làm rất công phu nhưng nhân dân vẫn chưa quen kết quả kiểm định này.

Hà Nội có mơ ước gì để trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao?

Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, 7 đại biểu tiếp tục nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Huy Được (Ba Vì) nêu nhắn nhủ của cử tri và cho rằng đây là vấn đề bức xúc. Đó là thực hiện Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2012 của HĐND TP về quy hoạch mạng lưới trường lớp, Hà Nội đang thiếu 314 trường. 

Như vậy, các trường tư thục được coi là  "cái phao" để con em ai cũng có thể được học hành. Báo cáo của UBND thành phố cho thấy trong 477 trường tư thục thì có tới 386 trường thuê và mượn nên cơ sở vật chất hết sức tạm thời. Một phòng học chật hẹp thì không bao giờ là môi trường học tập tốt. Đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đã kiểm tra như thế nào và đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất của các trường tư thục ra sao?

Đại biểu Được cũng chất vấn về chất lượng đội ngũ giáo viên Hà Nội hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) hỏi về công tác kiểm soát trước và sau khi thành lập trường khi có nhiều trường không bảo đảm về cơ sở vật chất, chủ đầu tư không có tiềm lực về tài chính, trường không được cấp phép vẫn hoạt động. Vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý chất lượng các trường ngoài công lập.

Đại biểu Lê Thu Hằng (Hà Đông) nêu câu hỏi về những bất cập trong phân cấp quản lý nhà nước với các trường tư thục hiện nay. Khi có sự việc xảy ra, đặc biệt là trong chăm sóc trẻ mầm non thì sẽ khó quy trách nhiệm.

"Sở Giáo dục và Đào tạo có báo cáo về 15 trường chưa đáp ứng điều kiện nhưng vẫn hoạt động. Đề nghị cho biết danh sách các trường này đã được công bố ở đâu? Việc giải thể các trường ngoài công lập chưa đủ điều kiện gặp khó khăn gì và trách nhiệm của Sở ra sao?" -  Đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) nêu chất vấn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cho rằng một số trường tư thục đưa ra mức học phí cao mà chưa có kiểm định của cơ quan chức năng. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sở đã làm gì khi trường vi phạm cam kết với phụ huynh học sinh khi nâng mức học phí lên cao.

Đại biểu Nguyễn Đình Đoàn hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo có định hướng lựa chọn nhà đầu tư trong nước có uy tín phát triển mạng lưới giáo dục hay không và nếu có thì là nước nào?

"Thành phố Hà Nội có mơ ước nào để trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao trong nước và khu vực không?" - Đại biểu Đoàn hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (Gia Lâm) nêu phản ánh của một số phụ huynh học sinh về quy trình học song bằng tú tài của sở năm học 2018-2019 khi sở tự ý rút ngắn quy trình, cách công bố kết quả tuyển sinh khiến nhiều phụ huynh nghi vấn về tính công bằng và minh bạch của kỳ thi. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đến trình độ giáo viên

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề nhiều trường không đạt chỉ tiêu quốc gia, trong số 477 trường ngoài công lập tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia rất thấp.


Ông Dũng cho biết, thứ nhất là khi thẩm định thành lập các trường cũng như khi cho phép tổ chức hoạt động, các trường này đều phải đảm bảo quy định chung để được cấp phép, còn để đạt chuẩn quốc gia, các trường còn cần nhiều yếu tố khác do vấn đề quy ước, điều kiện còn nhiều hạn chế. 

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, công tác dạy và học tại các trường được cấp phép hoạt động đều đảm bảo theo quy định.

Về trình độ của đội ngũ giáo viên, ông Dũng cho biết đây là vấn đề Sở đặc biệt quan tâm. Trong các năm học, Sở vẫn mở các lớp đào tạo và nâng cao chất lượng giáo viên. Các giáo viên từ cấp mầm non lên tới THPT đều đạt trình độ đào tạo theo đúng quy định, kể cả tại trường tư thục, chất lượng giáo viên hợp đồng cũng đều đạt chuẩn, trường hợp cá biệt rất ít.

Theo ông Dũng, những trường hợp cá biệt ở đây là những giáo viên thuộc lớp mẫu giáo tư thục chưa được cấp phép hoạt động hoặc những lớp trông trẻ theo hình thức gia đình trông giúp nhau.

Trao đổi về ý kiến của đại biểu về việc phối hợp trong công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả. Ông Dũng cho biết, để cho công tác phối hợp thực sự hiệu quả cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các cấp chính quyền quận, huyện, thị xã. Trên thực tế, nhiều sự việc phát sinh được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn khi Sở phối hợp với UBND các cấp.

Về vấn đề 15 trường THPT không được gia chỉ tiêu, ông Dũng cho biết, hàng năm trước khi đề ra chỉ tiêu vào tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo thường đi kiểm tra. Kết quả cho thấy, trong số 15 trường này có 7 trường đang thuê địa điểm của trường công, chính vì vậy, sở đã làm việc với 8 giám đốc, hiệu trưởng để có giải pháp và đã có báo cáo tới UBND thành phố về nội dung này.

Sau khi có sự trao đổi thống nhất, 8 trường đã chuyển địa điểm mới. 7 trường còn lại có liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ, bộ máy và giáo viên cơ hữu. Tuy nhiên, sau đó, các trường đã giải quyết và tích cực đẩy nhanh tiên độ và cho đến nay cả 15 trường đã được cấp chỉ tiêu tuyển sinh THPT.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc các trường tư thục thu học phí cao có cam kết chất lượng đầu ra không. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đối với các trường tư thục, việc hạch toán đều do trường chủ động và công khai với phụ huynh học sinh và theo cam kết không tăng thêm trong 1 năm học. Còn về chất lượng dạy và học, phụ huynh học sinh là người có thể đánh giá tốt nhất.

Người nước ngoài dạy mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên

Liên quan đến vấn đề cấp phép cho người nước ngoài, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Khuất Văn Thành cho biết, đến nay việc cấp phép triển khai thuận lợi, không có vướng mắc gì. Hiện nay, việc cấp phép được thực hiện qua mạng, khi cấp mới chỉ cần 3 ngày là xong.

Về tiêu chuẩn cấp phép, ông Khuất Văn Thành cho biết, người nước ngoài muốn dạy tại cơ sở giáo dục ngoại ngữ mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên và có kinh nghiệm 3 năm. Từ ngày 1-7-2018, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Sở Tư pháp cấp phép liên thông.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai về thực hiện hướng dẫn kế toán với những đơn vị ngoài công lập, ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết, các chính sách hướng dẫn kế toán được các đơn vị phối hợp thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội cũng thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị về chế độ kế toán, hạch toán thuế...

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm, từ năm 2015 đến nay, Cục thuế Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 35 cuộc, qua đó đã truy thu được 8 tỉ đồng bao gồm là thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền từ sai phạm trong việc thực hiện đóng thuế. Hiện nay, cơ sở giáo dục ngoài công lập được nhà nước ưu đãi, nên không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để kiểm tra việc thực hiện miễn giảm đối với cơ sở công lập, ngoài công lập.


Chất vấn về xâm hại, bạo hành trẻ em sẽ được trả lời bằng văn bản

Đại biểu Nguyễn Bích Thủy và đại biểu Trần Thế Cương cùng chất vấn về nạn bạo hành và xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, xảy ra tại cả trường công lập, tư thục và ngoài xã hội. Những vụ việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần cho trẻ, khiến dư luận xã hội bức xúc. 

Đại biểu Nguyễn Bích Thủy chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT về trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thế Cương mong muốn Chủ tịch quận Cầu Giấy và hai huyện Hoài Đức, Chương Mỹ cho biết về kết quả xử lý những vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn.

Do thời gian dành cho nhóm nội dung chất vấn này đã gần hết nên Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Công an Thành phố và các quận, huyện trả lời đại biểu bằng văn bản.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lần đầu "đăng đàn" nắm chắc vấn đề nhưng chưa rõ trách nhiệm


Đó là nhận định của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khi phát biểu kết luận kết thúc nhóm nội dung chất vấn thứ hai trong chiều nay. Trong hơn một giờ làm việc, đã có 23 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 17 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tái chất vấn và 3 giám đốc sở phát biểu làm rõ thêm.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận nhóm nội dung thứ hai.


Do đây là lần đầu tiên chất vấn ở nội dung này nên Chủ tịch HĐND thành phố cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát ở kỳ sau.

Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, trên 2.641 trường, với gần 2 triệu học sinh. Những năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng và số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Thành ủy Hà Nội có nhiều nghị quyết, chỉ thị và chương trình hành động riêng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. UBND thành phố phê duyệt các quy hoạch liên quan đến giáo dục. Hà Nội đã dành sự đầu tư lớn cho giáo dục. 

Tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy, Hà Nội xây mới trung bình 1.000 phòng học/năm. Số học sinh của Hà Nội trong toàn hệ thống học trường công lập đạt 87,6%, cao nhất cả nước hiện nay.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng khẳng định, trong thành tích chung của ngành có sự đóng góp của các trường ngoài công lập. Học sinh tại 477 trường chiếm hơn 12% tổng số học sinh trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo giám sát từ các Ban của HĐND, chất lượng các trường ngày càng được nâng cao hơn; trang thiết bị ngày một hoàn thiện. 

Tuy nhiên, trong hệ thống các cơ sở giáo dục này cũng đang tồn tại nhiều bất cập, thể hiện trách nhiệm quản lý của các cơ quan liên quan chưa tốt, việc kiểm định chất lượng được làm chưa thường xuyên. Một số hội đồng quản trị nhà trường chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các cấp tăng cường quản lý giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục ngoài công lập nói riêng. Cụ thể: Rà soát tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công trên địa bàn bảo đảm hoạt động theo đúng quy định; rà soát về chất lượng giáo dục; kiên quyết xử lý những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động; có lộ trình thực hiện, khắc phục từng nội dung để bảo đảm tiêu chí khi đã cấp phép. 

Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục Thủ đô có giải pháp kiểm định và công bố công khai về chất lượng của các trường ngoài công lập, trên cơ sở đó công bố công khai về học phí, khắc phục tình trạng giữa học phí và chất lượng không tương xứng; UBND các quận, huyện, xã, phường tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các trường sau cấp phép.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND các cấp và ngành Giáo dục thành phố phối hợp kịp thời, đưa ra giải pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức bao che khi hành vi được phát hiện.

"HĐND thành phố sẽ tái giám sát vấn đề này vào Kỳ họp giữa năm 2019. Hy vọng sau chất vấn, nội dung này sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm các tiêu chí đặt ra" - đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.