Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút ngắn khoảng cách đô thị - nông thôn

Ánh Dương| 19/07/2018 07:23

(HNM) - Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân tính đến nay đã đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Sản xuất rau an toàn ở thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Ảnh: Hữu Tiệp


Còn đó những trăn trở

Hiện nay, toàn thành phố còn 185/386 xã (chiếm 47,93%) chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chủ yếu là các xã khó khăn, xa trung tâm. Những tiêu chí chưa đạt đều khó thực hiện và cần nguồn vốn đầu tư lớn như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất trường học, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa,... Tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn cao như: Ba Vì (4,8%), Mỹ Đức (4,24%), Chương Mỹ (3,65%), Sơn Tây (3,17%), Phú Xuyên và Ứng Hòa (3,07%)... so với mức bình quân khu vực nông thôn toàn thành phố (2,57%).

Đời sống và thu nhập bình quân đầu người của một bộ phận người dân ở vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như tại các huyện: Ba Vì (33 triệu đồng/ người/ năm), Ứng Hòa (32,3 triệu đồng/người/năm), Mỹ Đức (34,1 triệu đồng/người/năm), Phú Xuyên (35,8 triệu đồng/ người/năm), trong khi bình quân khu vực nông thôn của thành phố là 38 triệu đồng/người/năm...

Một trong những nguyên nhân của những khó khăn trên là hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến giao thương, phát triển kinh tế. Đơn cử, tại xã nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên), nhiều tuyến đường trục xã, thôn, đường ngõ, xóm rất hẹp, chỉ từ 2 đến 4m. Môi trường một số khu vực nông thôn thuộc các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Mỹ Đức, Thanh Oai... bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các làng nghề chế biến nông sản hoặc nơi có hộ chăn nuôi quy mô lớn gần khu vực dân cư...

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn của trung ương, thành phố phải thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với diện tích lớn hàng chục nghìn héc ta, như Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội... Các dự án khi triển khai, đi vào hoạt động sớm thì sẽ tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thế nhưng, do nguồn gốc đất đai phức tạp, cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến trình thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND xã Song Phương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đức Khoa cho rằng, khó khăn trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đang là vấn đề nan giải của địa phương, do chính sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi theo từng thời điểm, khiến người dân chưa đồng tình, dẫn đến nhiều dự án bị chậm thực hiện hàng chục năm... Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của địa phương.

Cần giải pháp đồng bộ


Để giải quyết những tồn tại, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho rằng, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh";... Đồng thời, chú trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách, chương trình, dự án phát triển nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững...

Ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Địa bàn xã thuộc vùng bán sơn địa nên gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi rất mong được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, giúp địa phương sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch với những mô hình lúa chất lượng cao, rau an toàn, VietGAP, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả...".

Còn theo Trưởng thôn Trung, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Phong, nếu hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện sẽ góp phần tích cực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành. Ông Phong mong muốn các tuyến đường thôn, xã sớm được đầu tư mở rộng giúp nhiều hộ gia đình phát huy tiềm lực, mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống...

Để thực hiện các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn - ngoại thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho rằng cần phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hỗ trợ, nâng cao đời sống nhân dân khu vực ngoại thành như phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, việc đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, các chính sách, giải pháp giảm nghèo cần tiến hành đồng bộ, theo hướng tiếp cận đa chiều; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo.

Đồng thời phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất. Đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút ngắn khoảng cách đô thị - nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.