Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ ngầm dây cáp viễn thông, điện lực: Vì sao chậm tiến độ?

Việt Nga| 04/09/2018 06:00

(HNM) - Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông, điện lực trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai 3 đợt thi công công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật và hoàn thành đồng bộ tại 50 tuyến phố. Song, bên cạnh đó việc triển khai cũng chưa bảo đảm tiến độ...

Sau khi hạ ngầm đường dây điện lực, viễn thông, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội đã trở nên phong quang.Ảnh: Viết Thành


Chậm do phải chờ nhau

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết tháng 8-2018, các chủ đầu tư mới hoàn thành thi công đồng bộ công trình ngầm viễn thông, điện lực tại 50/121 tuyến phố. Trong đó, các đơn vị đã cắt dây, hạ cột được 47 tuyến; đang tiến hành hạ ngầm 3 tuyến.

Với các tuyến phố còn lại, mới có đơn vị điện lực hoặc đơn vị viễn thông triển khai. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã thi công 63/121 tuyến; VNPT Hà Nội đã thi công 22 tuyến, đang triển khai tiếp 2 tuyến (trên tổng số 39 tuyến đơn vị này nhận thực hiện); FPT làm xong 12 tuyến, đang thi công 5 tuyến, đang hạ ngầm 2 tuyến (trên tổng số 32 tuyến đơn vị thực hiện); Viettel thi công xong 12 tuyến, đang hạ ngầm 1 tuyến (trên tổng số 31 tuyến đơn vị thực hiện); MobiFone thi công xong 6 tuyến (trên tổng số 13 tuyến thực hiện). Riêng đơn vị CMC do mới tham gia từ đợt 3 (cuối năm 2017) nên chưa thi công.

Như vậy, sau 2 năm thực hiện chủ trương hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi, với 3 đợt phê duyệt danh mục dự án (tổng cộng 121 tuyến phố), thì trong số 18 tuyến phố thi công công trình ngầm đợt 1 (phê duyệt năm 2016), vẫn còn tuyến phố Thụy Khuê chưa hoàn thành do phần viễn thông chưa thi công. Đợt 2 còn 28 tuyến phố chưa hoàn thành, trong đó 13 tuyến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chưa thể thi công cả hệ thống điện lực và viễn thông. Trong 45 tuyến đợt 3 (phê duyệt cuối năm 2017) mới có 5 tuyến Tổng công ty Điện lực Hà Nội và VNPT Hà Nội đang thi công; 18 tuyến mới thống nhất biện pháp thi công đồng thời, số còn lại các đơn vị điện lực chưa nộp bản vẽ thiết kế và biện pháp thi công chung.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, VNPT Hà Nội cho biết, việc thành phố yêu cầu các đơn vị phải thi công chung, thi công đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, xóa tình trạng "đơn vị này vừa lấp, đơn vị khác đã đến đào lên", hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, song bên cạnh đó cũng phát sinh vướng mắc. Đó là Sở Giao thông - Vận tải chỉ cấp phép khi Sở Xây dựng có quyết định chấp thuận phương án thi công đồng bộ của cả 3 đơn vị: Điện lực, chiếu sáng, viễn thông, do vậy nếu một đơn vị chậm nộp phương án, thì các đơn vị còn lại sẽ phải chờ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Thực tế, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp mới chỉ thi công đồng thời tại 2 tuyến phố: Lý Nam Đế và Lê Văn Linh (quận Hoàn Kiếm).

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp đang triển khai hạ ngầm dây cáp thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau (như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, doanh nghiệp cổ phần...), nên dẫn tới các quy định về bố trí nguồn vốn, tổ chức đấu thầu... khác nhau, cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung. Chưa kể, một số nhà đầu tư, nhà thầu còn hạn chế về kinh nghiệm, năng lực... nên sự phối hợp với các đơn vị khác thiếu nhịp nhàng.

Phải phối hợp tốt hơn

Thanh thải đường dây sau khi đã hạ ngầm cáp viễn thông trên phố Thái Hà. Ảnh: Nguyễn Tú


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội), đúng là có tình trạng chậm tiến độ một số dự án hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi, song đánh giá tổng thể phải khẳng định các doanh nghiệp viễn thông, điện lực đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Bởi đây là những dự án xã hội hóa, do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Thông tin thêm về nguyên nhân, ông Hùng cho biết, một số dự án phải tạm lùi tiến độ còn bởi lý do khách quan, như thành phố yêu cầu bổ sung thêm việc hạ ngầm hệ thống chiếu sáng (tháng 6-2018 mới có chủ trương) cùng với hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, điện lực. Hoặc một số dự án trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện đang chờ thực hiện đồng bộ với việc chỉnh trang các tuyến phố. "Việc thực hiện đồng bộ như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, môi trường và sinh hoạt của nhân dân" - ông Hùng nói.

Về vấn đề phối hợp giữa các chủ đầu tư chưa tốt, có đơn vị còn chậm nộp phương án thi công ảnh hưởng đến tiến độ chung, Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn nhắc nhở; đồng thời kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tại cuộc họp đầu tháng 6-2018, UBND thành phố đã yêu cầu thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng tại các tuyến phố hạ ngầm điện lực, viễn thông. Do vậy, Sở Xây dựng và Sở Tài chính đã có văn bản gửi UBND các quận đề nghị đăng ký thực hiện. Hiện đã có 6 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đăng ký, với đề xuất 67/175 tuyến (riêng Cầu Giấy chỉ có tuyến phố Dương Khuê) sẽ hạ ngầm hệ thống chiếu sáng cùng với điện lực, viễn thông. Ngày 29-8-2018, Sở Xây dựng đã có tờ trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện hạ ngầm hệ thống chiếu sáng công cộng. Trong đó, Sở đề nghị giao Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị thực hiện rải ống chờ, đồng thời với các đơn vị điện lực, viễn thông khi triển khai hạ ngầm các tuyến phố trong năm 2018.

Như vậy, với các tuyến phố thi công công trình ngầm từ năm nay, cùng với các hạng mục hạ ngầm dây điện lực trung thế, dây cáp viễn thông, sẽ có thêm hạng mục dây chiếu sáng. Riêng việc hạ ngầm hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện làm 3 đợt (cùng với hạ ngầm hệ thống dây, cáp đi nổi) do UBND quận thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách quận. Cùng với đó, đầu tháng 8 vừa qua, UBND thành phố cũng đã có văn bản chấp thuận danh mục hạ ngầm đợt 4 tại 56 tuyến phố thuộc địa bàn 11 quận nội thành. Như vậy, khối lượng công việc sẽ ngày càng lớn, đòi hỏi các chủ đầu tư và đơn vị liên quan của thành phố càng phải khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng hơn, tất cả vì mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố “không dây” an toàn và có cảnh quan đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ ngầm dây cáp viễn thông, điện lực: Vì sao chậm tiến độ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.