Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viện tự chủ về tài chính: Bài toán khó

Thu Trang| 23/09/2018 06:33

LTS: Chủ trương của Bộ Y tế là khuyến khích các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ về tài chính để tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Tự chủ tài chính là động lực thúc đẩy bệnh viện công đổi mới, đồng thời giảm chi tiêu ngân sách của Nhà nước. Ảnh: Hữu Tiệp


Bài đầu: Cơ hội nhiều, thách thức không ít…

Ngành Y tế Thủ đô kỳ vọng, việc tự chủ tài chính là động lực thúc đẩy bệnh viện công đổi mới, đồng thời giảm chi tiêu ngân sách của Nhà nước. Thế nhưng, không chỉ với những bệnh viện vừa được trao quyền tự chủ, kể cả những bệnh viện có thương hiệu, thành công với mô hình này cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình triển khai.

Tăng tính chủ động, cạnh tranh

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã có 2 đợt giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Hiện tại, ngành Y tế Thủ đô đã có 18 bệnh viện được trao quyền tự chủ bảo đảm chi phí hoạt động (tăng thêm 13 đơn vị so với năm 2017). Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc giao quyền tự chủ về tài chính đối với bệnh viện công lập, nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng khám, chữa bệnh. Rõ nhất là cơ sở y tế phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể. Bệnh nhân cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất.

Bắt đầu từ năm 2017, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn tài chính và cũng là một trong những đơn vị tự chủ thành công của ngành Y tế Thủ đô. Tháng 8-2018, bệnh viện còn được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa.

Ông Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, trước khi tự chủ tài chính, bệnh viện đã phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt, không ngừng bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh. Không chỉ vậy, bệnh viện còn triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, những khoa, phòng chất lượng cao… để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Mặt khác, bệnh viện tập trung phát triển kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu, đưa vào hoạt động Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn, sàng lọc và dự phòng ung thư phụ khoa…; đồng thời quản lý bệnh viện theo các quy trình chuẩn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, mỗi năm bệnh viện chỉ có khoảng 1-2 ca chuyển tuyến lên Bệnh viện Phụ sản trung ương.

“Ước tính trong năm 2017, doanh thu của bệnh viện đạt khoảng 900 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên hơn 20 triệu đồng/người/tháng. Với những bác sĩ cao cấp, uy tín có thể đạt tới mức lương hơn 100 triệu đồng/ tháng” - ông Đỗ Khắc Huỳnh cho biết.

Thực tế, việc tự chủ đã giúp cho nhiều bệnh viện có sự “thay da, đổi thịt”. Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cảm nhận đầu tiên là cơ sở vật chất của bệnh viện rất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ hơn trước rất nhiều. Hiện tại, trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp khoảng 1.600 lượt người bệnh, với tổ tiếp đón hướng dẫn bệnh nhân ngay từ cửa ra vào. Đây cũng chính là một trong những bệnh viện đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và là bệnh viện đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô áp dụng thẻ từ thông minh (người bệnh có thể đăng ký tại nhà qua số điện thoại tổng đài của bệnh viện) vào khám, chữa bệnh.

Thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, chị Nguyễn Thanh Nhàn (ở phường Đức Giang, quận Long Biên) chỉ cần làm thủ tục quẹt thẻ, sau đó được hướng dẫn đi thẳng lên phòng khám. Theo chị Nguyễn Thanh Nhàn, bệnh nhân sử dụng thẻ từ không phải xếp hàng chờ đợi lấy số, chỉ mất từ 3 đến 5 giây quẹt thẻ, lựa chọn phòng khám, số thứ tự đăng ký khám đã có trên bảng thông báo…

“Rào cản” hoạt động khám, chữa bệnh

Các y, bác sĩ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Khuê Diệp


Cùng với nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, các bệnh viện khi tự chủ, bị cắt giảm nguồn ngân sách cũng đồng nghĩa với khó khăn sẽ nhiều hơn. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, từ năm 2017 trở về trước, nguồn kinh phí bệnh viện được thành phố cấp khoảng 30 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, kể từ tháng 1-2018, khi bệnh viện được trao quyền tự chủ, nguồn kinh phí này không còn, việc vận hành, chi trả lương cho cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, từ năm 2018, nguồn ngân sách cũng bị cắt giảm hơn 40 tỷ đồng/năm, gây khó khăn lớn cho việc cân đối thu - chi. Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố; 3 yếu tố: Khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng; khấu hao trang thiết bị; chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí.

Thậm chí, lương cơ bản tính trong giá viện phí là 1.150.000 đồng, nhưng trên thực tế, từ ngày 1-7-2018, bệnh viện phải trả cho người lao động là 1.390.000 đồng. Vì vậy, với giá viện phí như hiện nay, thì thu chưa đủ bù chi. Thêm vào đó, tình trạng bệnh nhân vượt tuyến cùng với việc thông tuyến bảo hiểm y tế đối với tuyến huyện và tới đây là tuyến tỉnh, khiến các bệnh viện càng khó giữ được bệnh nhân.

Không chỉ vướng trong vấn đề cân đối thu - chi, theo ghi nhận từ các bệnh viện, một khó khăn không kém, đó là cơ chế tự chủ chưa được triển khai toàn diện. Theo ông Đỗ Khắc Huỳnh, hiện bệnh viện mới được tự chủ về tài chính, còn việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì chưa được tự chủ, vì vậy khó thu hút được người tài và có định hướng phát triển tốt hơn.

Còn ông Đào Thiện Tiến cho rằng, việc mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị, thuốc… đều qua đấu thầu tập trung, bệnh viện không được chủ động mua sắm, trong khi thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp. Chỉ cần chậm trễ, quá thời gian quy định trong hợp đồng, các công ty cung ứng sẽ cắt đơn hàng..., ảnh hưởng nhiều đến việc khám, chữa bệnh.

Tự chủ bệnh viện là bài toán không đơn giản với ngành Y tế Thủ đô ở thời điểm hiện tại. Nếu không có chính sách đúng đắn, chủ trương này rất có thể tạo áp lực đối với các y, bác sĩ và người bệnh sẽ chịu thiệt thòi.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện tự chủ về tài chính: Bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.