Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng đến chất lượng và hiệu quả

Nguyễn Mai| 19/11/2018 07:04

(HNM) - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hà Nội đã đạt một số kết quả tích cực.

Không đạt kế hoạch

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, từ năm 2017 đến hết tháng 9-2018, Hà Nội đã tổ chức được 788 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả này đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt trên 60% và đóng góp vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Tuy vậy, so với kế hoạch thành phố giao, công tác dạy nghề 2 năm qua đều chưa đạt. Cụ thể, năm 2017, đào tạo nghề mới đạt 58,5% và 9 tháng năm 2018 cũng chỉ đạt 56,8% kế hoạch” - bà Nhàn cho biết.

Thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Theo phân tích của bà Nhàn, định mức hỗ trợ cho dạy nghề còn thấp so với chi phí đào tạo; người học phải đóng thêm phí, do vậy không “mặn mà”. Hơn nữa, việc hỗ trợ có nhiều mức, áp cho nhiều đối tượng học khác nhau. Trong khi 1 lớp phải gom từ nhiều đối tượng nên áp vào từng đối tượng rất khó...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhìn nhận: Theo quy định, lao động trong độ tuổi chỉ được học nghề một lần, nên số người học đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng học nghề có xu hướng giảm dần. Quy định nêu người tham gia học nghề phải trong độ tuổi lao động nhưng nhiều lao động trên 60 tuổi vẫn có nhu cầu học nghề, bởi họ vẫn là “trụ cột” gia đình. Thời gian đào tạo nghề 3 tháng đối với nghề nông chưa đủ một chu kỳ phát triển, thu hoạch cây trồng, vật nuôi... nên người học khó nắm bắt...

Cân nhắc điều chỉnh

Là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Đan Phượng có cách làm hay. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, trên cơ sở các vùng sản xuất đã được quy hoạch, huyện giao kế hoạch đào tạo cho các xã. Các làng nghề thì đào tạo nghề phi nông nghiệp; các xã vùng bãi đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì đào tạo nghề nông nghiệp. Ví dụ, tại xã Song Phương chuẩn bị xây dựng nhãn hiệu bưởi đào chín sớm thì đào tạo chuyên sâu kỹ thuật trồng bưởi để tăng năng suất, chất lượng quả bưởi, qua đó, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Trước những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề như tăng độ tuổi của học viên tham gia các lớp đào tạo nghề theo từng loại nghề, tăng định mức hỗ trợ cho các lớp đào tạo nghề...

Tại hội nghị mới đây của đoàn công tác trung ương làm việc với Hà Nội về triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Văn Tiến nêu quan điểm: Dạy nghề cho lao động nông thôn quan trọng nhất là chất lượng, không nên “chạy theo số lớp, giải ngân cho hết tiền”.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu và thực hiện chương trình này cần nghiên cứu kỹ quyết định để thực hiện đúng. Ví như, quy định về thời gian đào tạo là 3 tháng đối với lớp dạy nghề nông nghiệp có thể kéo dài hơn hay như mức hỗ trợ dạy nghề tùy theo điều kiện từng tỉnh, thành phố có thể hỗ trợ thêm...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý: TP Hà Nội không chạy theo số lượng dạy nghề. Nếu chất lượng không bảo đảm, điều kiện không đủ sẽ không mở lớp. Hiện nay, TP Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chương trình dạy nghề hiệu quả và không thất thoát kinh phí hỗ trợ của nhà nước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng đến chất lượng và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.