Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi công công trình xây dựng: Siết chặt quản lý an toàn lao động

Dạ Khánh| 27/11/2018 07:23

(HNM) - Liên tiếp các vụ tai nạn chết người do mất an toàn lao động xảy ra trong thi công công trình xây dựng thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội khiến dư luận lo ngại.

Trước thực trạng đó, Hà Nội đang siết chặt công tác quản lý; kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công các công trình không bảo đảm điều kiện an toàn lao động, an toàn trật tự xây dựng.

Tuân thủ quy định an toàn trong thi công xây dựng góp phần giảm thiểu tai nạn lao động.


An toàn là trên hết

“An toàn là trên hết”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù”... Đây là các khẩu hiệu được gắn tại nhiều công trình xây dựng. Nhưng thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6 vụ việc mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Trong đó, 5 vụ xảy ra tai nạn chết người. Ngoài vụ tai nạn gây chết người ở công trường xây dựng tại đường Lê Văn Lương ngày 27-9, còn có vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết và nhiều người bị thương xảy ra ngày 17-1 tại công trình Dự án Cây xanh, bãi đỗ xe Việt Nhật (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); vụ sập nhà đang xây dựng ngày 13-6 ở thôn Đồng Lư, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), khiến 1 người chết, 3 người bị thương nặng.

Theo Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn kể trên là do chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ tại 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; 20 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, đã yêu cầu tạm dừng hoạt động 13 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhưng chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn.

Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội từ đầu năm đến nay cũng đã kiểm tra 41 dự án, công trình xây dựng; ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là 265 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiết bị bảo hộ, máy móc chưa an toàn. Năm 2017, Thanh tra chuyên ngành Sở đã kiểm tra 24 dự án, ra 22 quyết định xử phạt với tổng số tiền 468,5 triệu đồng.

Kiên quyết tạm dừng thi công những công trình vi phạm

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), có một số đơn vị cùng tham gia kiểm tra, giám sát an toàn trong thi công các công trình xây dựng. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra việc tuân thủ Luật Lao động, công tác an toàn, vệ sinh môi trường. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp với các Phòng Quản lý đô thị; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND các phường, xã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trình đang thi công trên địa bàn. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành như: Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có lực lượng thanh tra xây dựng chuyên ngành kiểm tra, thanh tra đối với các công trình xây dựng do mình quản lý.

Trước các vụ tai nạn trong thi công xây dựng công trình diễn ra gần đây, đặc biệt là vụ tai nạn tại đường Lê Văn Lương, ngày 28-9-2018, UBND thành phố đã có Văn bản số 4624/UBND-TKBT thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công các công trình, dự án chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động, an toàn trật tự xây dựng. Đồng thời, rà soát, xử lý nghiêm các cẩu tháp xây dựng hoạt động không đúng quy định, không bảo đảm an toàn thi công, báo cáo thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã đề nghị các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn; Tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt với các loại cần trục tháp, máy vận thăng nâng hàng và người, tời nâng người làm việc trên cao; Lập danh mục để theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện về an toàn máy, thiết bị…

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, UBND các quận, huyện gửi về, nhiều quận, huyện đã nhanh chóng “vào cuộc”, ban hành các văn bản đôn đốc, phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật; đồng thời tổ chức kiểm tra công tác an toàn lao động, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện về an toàn máy, thiết bị tại các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng giám sát công trình xây dựng trên địa bàn; địa bàn nào để xảy ra mất an toàn trong thi công xây dựng, lực lượng quản lý phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công công trình xây dựng: Siết chặt quản lý an toàn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.