Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an sinh cho nữ lao động nhập cư

Dương Linh| 25/12/2018 10:11

(HNM) - Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nữ lao động nhập cư. Qua đó, chị em có cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, hòa nhập tốt với cộng đồng tại nơi đến.

Một buổi sinh hoạt nhóm của các nữ lao động nhập cư


Đối diện nhiều khó khăn

Chị Bùi Thị Hương (quê tỉnh Thái Bình) lên Hà Nội làm việc từ khi còn trẻ. Vì không có vốn để kinh doanh, chị Hương phải làm hết việc này đến việc khác, từ rửa bát thuê, phụ hồ… và hiện tại là bán hàng thuê. Chị Hương chia sẻ: “Chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, thu nhập từ làm thuê không được nhiều, cuộc sống của ba mẹ con khá chật vật”. Còn chị Nguyễn Thị Thìn (quê ở tỉnh Phú Thọ) có 7 năm làm công việc chăm sóc bệnh nhân, cho hay: “Nếu có việc, tôi phải thức cả đêm trông người bệnh nên không có thời gian quan tâm đến quyền lợi hay sức khỏe của mình. Đa số chị em nhập cư như tôi không được mua thẻ bảo hiểm y tế, vì không có giấy đăng ký tạm trú dài hạn”.

Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết, ước tính, hiện có khoảng 50% người nhập cư ở Hà Nội là phụ nữ. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như chị Bùi Thị Hương, chị Nguyễn Thị Thìn và ít có cơ hội giao lưu, học hỏi để nâng cao trình độ, tìm hiểu các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến.

Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho rằng, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều phụ nữ phải rời quê hương đi làm ăn xa để có tiền cho con học hành, chăm sóc cha mẹ. “Họ phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không bảo đảm an ninh, có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động…”, Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh nhận định.

Đồng hành và chia sẻ

Chia sẻ khó khăn, các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nữ lao động nhập cư hòa nhập tốt với cộng đồng tại nơi đến. Điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ hai phường Phúc Tân và Chương Dương triển khai có hiệu quả công tác này từ năm 2014 đến nay. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ cho biết: Hiện, hai phường đã thành lập được 16 nhóm tự lực, thu hút 103 nữ lao động nhập cư tham gia. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, Hội đã giúp nữ lao động nhập cư được tiếp cận thông tin liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách lao động, việc làm, các chính sách an sinh xã hội. Nhờ đó, có 62 nữ lao động nhập cư được mua thẻ bảo hiểm y tế.

“Trước đây, tôi không biết chữ, nên đã được Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Tân dạy chữ và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tôi vừa sinh con, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên giảm được nhiều chi phí. Với cương vị là Trưởng nhóm, tôi đã hướng dẫn các chị em đăng ký tạm trú và mua bảo hiểm để bảo đảm sức khỏe”, chị Phạm Thị Hồng (quê ở tỉnh Hải Dương), hiện đang sống trên địa bàn phường Phúc Tân chia sẻ.

Trải qua nhiều nghề, chị Trần Thị Huế (quê ở tỉnh Hà Nam) đã có 15 năm sinh sống tại quận Hoàng Mai. Nhờ có Hội Liên hiệp phụ nữ phường Định Công giúp đỡ, chị Huế được đăng ký tạm trú, thuê nhà trọ với giá ưu đãi, hai con nhỏ được đi học trường công. Chị Huế cho hay: “Tham gia câu lạc bộ của tổ chức Hội, tôi tự tin hơn, không ngại chia sẻ ý kiến với người khác. Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, chúng tôi có thêm kiến thức để xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời có điều kiện giúp đỡ các chị em nhập cư khác”.
Thời gian qua, các nữ lao động nhập cư trên địa bàn quận Hoàng Mai đã được các cấp Hội hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm phòng, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Các hộ tạm trú nếu có nhu cầu mua bảo hiểm y tế tự nguyện cũng được chính quyền tạo điều kiện như công dân của địa phương. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Ánh, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai, vì mưu sinh nên nhiều chị em chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe cũng như quyền lợi chính đáng của mình.

Để tiếp tục chia sẻ những khó khăn, vất vả của nữ lao động nhập cư, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thu Thủy cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chị em, như đăng ký tạm trú, tạm vắng; tập huấn phòng, chống các tệ nạn xã hội; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chú trọng chăm sóc sức khỏe cho chị em. Hội sẽ tham gia cùng chính quyền địa phương hỗ trợ địa điểm bán hàng, nhà trọ, giá điện nước cho nữ lao động nhập cư, để chị em có cuộc sống ổn định, an tâm lao động và ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an sinh cho nữ lao động nhập cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.