Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhếch nhác cầu vượt đi bộ

Hoàng Minh| 03/01/2019 06:58

(HNM) - Không chỉ vắng khách đi lại, một số cầu vượt đi bộ trên địa bàn Hà Nội đang trong tình cảnh xuống cấp, thậm chí bị chiếm dụng để bán hàng, đỗ xe máy, tập kết vật liệu xây dựng và xả rác thải bừa bãi.


Chợ "cóc", xe ôm bủa vây...

Báo Hànộimới số ra ngày 26-12-2018 đăng bài "Cầu vượt đi bộ, hầm bộ hành: Vì sao vẫn vắng người qua?", phản ánh tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành. Sau khi báo đăng, Hànộimới tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nhiều cầu vượt đang có dấu hiệu xuống cấp và bị chiếm dụng nghiêm trọng.

Tình trạng lấn chiếm cầu vượt bộ hành cần được xử lý nghiêm. Ảnh: Minh Sơn


Điển hình là tại cầu vượt đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, 11h ngày 27-12, các lối lên, xuống, mặt cầu, chiếu nghỉ... đều bị chợ "cóc", người hành nghề xe ôm chiếm dụng. Hàng chục chiếc xe máy xếp hàng dài sát với bậc cầu thang, gây khó khăn cho người dân khi lên, xuống cầu.

Trên mặt cầu, nhiều gánh hàng rong với khoai, sắn, hoa quả, thậm chí cả người kinh doanh phế liệu vô tư chiếm dụng để bày bán, tập kết hàng. Đáng nói, mặt cầu vượt đi bộ, bậc cầu thang bị xuống cấp, nhiều đoạn bị gỉ, mọt, lồi lõm. Đã vậy, lối thang lên, xuống còn cáu bẩn bởi đất cát lâu ngày không được vệ sinh.

Tương tự, tại cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch và cầu vượt Láng Hạ, gần nhà chờ xe buýt nhanh BRT Thành Công, phóng viên nhận thấy mặt cầu, cầu thang lên, xuống xuống cấp; lớp bê tông láng trên mặt cầu bị bong tróc nhiều đoạn, bụi đất có ở khắp nơi. Riêng cầu vượt Xã Đàn, còn xảy ra tình trạng người dân sử dụng lan can cầu làm nơi phơi đồ, nhìn rất mất mỹ quan.

Một số cầu vượt đi bộ khác như cầu trước cổng Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu gần nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng; cầu trước cổng Trường Đại học Quốc gia, đường Xuân Thủy; cầu bắc qua đường Ngọc Hồi (trước cửa số nhà 33 đường Ngọc Hồi); cầu Tây Sơn gần Đại học Thủy lợi... cũng trong cảnh nhếch nhác, lộn xộn.

Ngoài tình trạng như kể trên, một số nơi ngay cạnh cầu thang lên xuống, đơn vị vệ sinh môi trường đã tận dụng để xếp xe rác gây ô nhiễm môi trường và nhiều bất tiện cho người đi bộ...

Cần sớm khắc phục tồn tại

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự quy định người đi bộ băng qua đường dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi dù có cầu vượt nhưng người đi bộ vẫn đi cắt ngang qua đường, gây mất an toàn cho chính bản thân và người tham gia giao thông.

Có thể nói, ngoài nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông, thì việc nhiều cầu vượt đi bộ xuống cấp, nhếch nhác, bị chiếm dụng là một trong những lý do khiến cho người dân ngày càng xa lánh loại hình giao thông này.

Chị Kiều Thanh Nga, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết: "Số người đi lại qua cầu đi bộ đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị hằng ngày rất đông, nhưng cầu không được duy tu, sửa chữa kịp thời nên ngày càng xuống cấp. Mỗi khi đi qua thấy mặt cầu lồi lõm tôi cũng thấy lo lắng, nhưng không còn lựa chọn nào khác".

Còn bà Bùi Thị Tâm, phường Phúc La, quận Hà Đông bức xúc: "Tôi rất hay đi qua cầu vượt đi bộ trước cổng Bệnh viện K Tân Triều, thời gian gần đây một số đối tượng ngang nhiên chiếm lối lên xuống cầu để bán hàng, đỗ xe máy... gây khó khăn cho việc đi lại của người dân".

Những tồn tại kể trên ai cũng biết bởi nó hiện hữu hằng ngày, hằng giờ. Thế nhưng khi được hỏi, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội lại khẳng định các cây cầu vượt đi bộ, hầm bộ hành trên địa bàn thành phố đều được các đơn vị quản lý duy tu, sửa chữa và vệ sinh môi trường thường xuyên (?).

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội - đơn vị quản lý cầu vượt đi bộ Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đơn vị chỉ quản lý các cây cầu trong giờ hành chính, không có chức năng xử phạt vi phạm đối với những người bán hàng rong, xe ôm chiếm dụng cầu. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm cũng khó dứt điểm vì khi không có lực lượng chức năng, người dân lại tái phạm.

Về vấn đề này, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, lực lượng công an, dân phòng của phường tổ chức 4 lượt/ngày để kiểm tra, xử lý hàng rong, xe ôm và cắm biển cấm bán hàng...

Theo bà Giang, trách nhiệm quản lý cầu thuộc về Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội, UBND phường chỉ quản lý trật tự đô thị khu vực dưới chân cầu. Do vậy, để xử lý dứt điểm vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị quản lý cầu.

Có thể nói, những tồn tại, bất cập tại các cầu vượt đi bộ là do công tác quản lý chưa nghiêm; công tác duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Trước thực trạng này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cần rà soát lại các cầu trên địa bàn, có biện pháp duy tu, sửa chữa, đồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền sở tại trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm mặt cầu, chân cầu gây cản trở giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhếch nhác cầu vượt đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.