Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều việc phải làm

Thu Trang| 24/01/2019 06:21

(HNM) - Sau một năm xây dựng thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, diện mạo các cơ sở ăn uống, thức ăn đường phố đã có sự thay đổi, ý thức của người chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng được nâng lên.

Tuyến phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đã được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Ảnh: Quang Thái


“Cuộc cách mạng” thay đổi tư duy

Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2018 “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được thành phố triển khai thí điểm tại các quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của 387 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Hiện 8/8 quận, huyện đã cấp giấy chứng nhận và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho 370/387 cơ sở (đạt 95,6%). Đặc biệt, 100% cơ sở sử dụng nguồn nước sạch; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng (tăng 51,3% so với trước khi triển khai mô hình).

Phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát thực tế tại một số tuyến phố triển khai thí điểm và ghi nhận những phản hồi tích cực từ người dân. Phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, chỉ dài 800m nhưng có tới 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng 5.000 lượt khách/ngày và được coi là trung tâm ẩm thực của quận Cầu Giấy. Tại đây, các cơ sở dịch vụ ăn uống được gắn biển hiệu nhận diện “Nhà hàng (cửa hàng) an toàn thực phẩm có kiểm soát”.
Anh Nguyễn Thành Trung, ở phố Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu cho biết, đã trở thành khách quen tại một số nhà hàng trên tuyến phố này. Ngoài sự thay đổi về diện mạo, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, việc các cơ sở kinh doanh công khai nguồn gốc thực phẩm đã giúp khách yên tâm hơn khi ăn uống tại đây…

Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, trước khi triển khai mô hình nói trên, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên phố Duy Tân chủ yếu hoạt động tự phát, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, để chuyển sang mô hình mới là việc không đơn giản.

Chính quyền địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Cụ thể, tổ chức tập huấn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên, hướng dẫn các cơ sở tìm nguồn thực phẩm, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Tương tự, tại khu chợ ẩm thực, thuộc tổ 27 phường Ngọc Lâm, quận Long Biên có 20 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” vào tháng 10-2018, diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ rệt với cảnh quan môi trường sạch đẹp, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống khang trang, lịch sự...

Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận cho biết: "Tâm lý của người tiêu dùng vẫn là “trăm nghe không bằng một thấy”. Vậy nên, chúng tôi yêu cầu mỗi cơ sở khi được gắn biển phải đặc biệt chú trọng công khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm như: Mua gì, ở đâu, số điện thoại, hợp đồng. Khi kiểm tra, chỉ cần 1 hoặc 2 cơ sở không đáp ứng yêu cầu, chúng tôi sẽ rút công nhận với cả tuyến phố”, bà Đinh Thị Thu Hương khẳng định.

Cần sự vào cuộc của ba bên

Đánh giá kết quả xây dựng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố cho biết, việc triển khai mô hình này bước đầu đã mang lại tín hiệu khả quan, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng. Dù vậy, việc triển khai cũng không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Cụ thể, một số cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất.

Hơn nữa, nguyên liệu, thực phẩm ở một số cơ sở còn chưa rõ ràng nguồn gốc. Khi kiểm tra, chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, có cơ sở chỉ hoạt động vào buổi tối hoặc đêm khuya… nên gây cản trở công tác quản lý và kiểm soát.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở gắn biển cửa hàng an toàn thực phẩm có kiểm soát tại chợ ẩm thực (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên).


Chị Đỗ Thị Thu Huyền, chủ quán ăn tại số 12 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) cho biết, khó khăn mà không ít cơ sở phải đối diện khi triển khai mô hình là do phải đi thuê địa điểm nên sự hợp tác của chủ nhà chưa cao. Có chủ nhà không đồng ý cho thay đổi kết cấu của ngôi nhà, trong khi diện tích mặt bằng thuê chật hẹp nên việc tổ chức phân khu đáp ứng điều kiện an toàn rất khó thực hiện… Thêm vào đó, có những cơ sở thiếu vốn đầu tư nên không thể thay đổi toàn bộ trang thiết bị bàn, ghế đồng bộ như theo quy định.

Còn theo chị Lê Huyền, chủ nhà hàng Sông Cái tại Chợ ẩm thực, phường Ngọc Lâm, từ khi thực hiện mô hình, nhân viên tại đây đã nắm rõ được quy trình chế biến, 10 tiêu chí an toàn thực phẩm theo quy định. Thế nhưng, để giữ gìn được quán hàng sạch sẽ, văn minh cũng cần sự chung tay của khách hàng. Bởi nhiều khách hàng chưa hình thành thói quen bỏ giấy ăn, đồ dùng thừa vào thùng rác…

Để mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đạt mục tiêu đề ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của cả ba bên, gồm: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, để có sự đồng tình hưởng ứng, tham gia của các chủ gia đình, các cán bộ y tế và các đơn vị liên quan phải thường xuyên tư vấn, hướng dẫn để cơ sở cải tạo cơ sở vật chất, bố trí nơi chế biến đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại những cơ sở có gắn biển an toàn thực phẩm có kiểm soát phải được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục hơn, đặc biệt tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Thậm chí, công tác xử lý vi phạm cũng phải nghiêm minh để làm gương.

Từ những mô hình điểm hoạt động hiệu quả, trong năm 2019, thành phố tiếp tục triển khai thêm 4-6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát nhằm hướng tới xóa bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2018, các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát 1.124 lượt cơ sở có biển hiệu an toàn thực phẩm có kiểm soát, qua đó xử lý vi phạm tại 58 cơ sở với tổng số tiền phạt 96 triệu đồng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.