Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm công bằng cho lao động nữ

Minh Ngọc| 10/02/2019 08:12

(HNM) - Lao động nữ vẫn chịu thiệt thòi hơn so với nam giới trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, giới nghiên cứu, đại diện người sử dụng lao động và người lao động đều dành sự quan tâm đặc biệt đến việc làm thế nào để bảo đảm công bằng về việc làm, thời gian làm việc… cho lao động nữ.

Lao động nữ cần được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc. Ảnh: Hà Hiền


Chịu thiệt thòi về nhiều mặt

Hằng ngày, sau thời gian làm việc tại một công ty may ở Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai), chị Nguyễn Thị Huyền, tổ dân phố 2, phường Phú La (quận Hà Đông) lại nhận may quần áo tại nhà. Làm công việc may mặc khoảng 12 giờ mỗi ngày, cộng với việc nhà và chăm sóc con cái khiến chị Huyền không có thời gian để nghỉ ngơi.

Khi được hỏi lý do vì sao không dành thời gian nhiều hơn cho bản thân, chị Huyền bộc bạch: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, lương thấp, nếu không nhận làm thêm tại nhà sẽ không đủ tiền nuôi con. Chồng tôi quan niệm đàn ông không vào bếp, nói nhiều thành cãi nhau, nên tôi tranh thủ làm cho yên cửa nhà”.

Trường hợp khác là chị Phạm Thị Nghĩa, trú tại số 4, đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) thích làm nghề lái xe taxi hơn bán hàng, nhưng vì gia đình không ủng hộ nên chị đành chấp nhận làm công việc ít yêu thích trong nhiều năm qua.

Ngoài những ví dụ nêu trên, một bộ phận không nhỏ lao động nữ đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Kết quả đo lường công việc của phụ nữ Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế Canada (IDRC) cho thấy, phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, cao hơn nam giới 2-2,5 giờ/ngày.

Báo cáo “Điều tra lao động việc làm quốc gia” do Tổng cục Thống kê công bố cũng phản ánh, lao động có hợp đồng và thu nhập từ công việc quy định trong hợp đồng của nam giới cao hơn khoảng 10% so với nữ giới. Cùng một công việc, trình độ như nhau, lao động nữ vẫn bị trả lương thấp hơn nam trong một số trường hợp.

Theo bà Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Đại học Luật Hà Nội), thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động, ngoài định kiến xã hội, thì những điểm vênh của hệ thống luật pháp hiện hành là nguyên nhân cơ bản khiến bình đẳng giới trong lao động, việc làm chưa đi vào thực chất.

Cụ thể, Điều 159, Bộ luật Lao động chỉ cho phép lao động nữ được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp nuôi con dưới 6 tháng tuổi và chăm con dưới 7 tuổi ốm đau, mà không ghi nhận quyền tương đương cho lao động nam. Hơn nữa, điều luật này chưa nhất quán với quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, cho phép tất cả người lao động nghỉ có hưởng bảo hiểm xã hội khi nuôi con dưới 6 tháng tuổi và chăm con ốm dưới 7 tuổi.

Đáng lưu ý, Bộ luật Lao động hiện hành còn quy định một số nhóm ngành nghề lao động nữ không được tham gia, cũng chưa có quy định cụ thể về đào tạo nghề, hỗ trợ an sinh xã hội và bình đẳng cơ hội cho người lao động.

“Nước ta đã tham gia Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau từ năm 1997. Hiến pháp (năm 2013), Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Bộ luật Lao động (năm 2012) đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Do đó, những điểm chưa phù hợp trong hệ thống pháp luật cần được khắc phục triệt để”, bà Đỗ Ngân Bình kiến nghị.

Tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nữ

Nhằm bảo đảm công bằng cho lao động nữ, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi đã dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Dự thảo đề xuất các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động.

Trong một số trường hợp, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với người sử dụng lao động, họ không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ...

“Các quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được sửa đổi theo hướng không ngăn cấm sử dụng lao động, bảo đảm tất cả lao động có quyền lựa chọn việc làm, cơ hội việc làm”, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá cao những đề xuất nêu trên. Bà Phạm Thu Lan dẫn chứng, có danh mục những việc không tuyển nữ, trong khi trên thực tế, không ít phụ nữ có thể vận hành máy cày, máy cẩu, hút bùn… Do đó, nếu phụ nữ muốn làm, mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, luật pháp nên khuyến khích họ.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử khẳng định, nếu người sử dụng lao động luôn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ làm việc, bản thân lao động nữ chủ động vượt qua những định kiến, nỗ lực trau dồi bản thân thì cơ hội dành cho họ luôn rộng mở. Nhiều năm qua, Công ty Viettronics sử dụng khoảng 90% lao động nữ và đã gặt hái được những thành công.

Như vậy, sự đồng bộ trong hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung, lao động nữ nói riêng. Hy vọng, những bất cập trong khuôn khổ pháp lý sớm được khắc phục, giúp lao động nữ có nhiều hơn cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, tự tin vào bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm công bằng cho lao động nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.