Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn né tránh, đùn đẩy trong giám định tư pháp

Hà Phong| 14/02/2019 07:33

(HNM) - Luật Giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành từ lâu nhưng theo phản ánh của các địa phương, việc không quy định thời hạn ban hành kết luận giám định, xã hội hóa hoạt động này dè chừng là những nguyên nhân chính khiến luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Kéo theo đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy giám định, khiến nhiều vụ án bị kéo dài.


Đánh giá kết quả quá trình thực hiện Luật Giám định tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết: Sau hơn 5 năm thi hành luật đã có hơn 40 văn bản từ nghị định đến thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện được ban hành. Tuy vậy, không ít văn bản còn thiếu rõ ràng, cụ thể. Đến nay, vẫn còn các nội dung cần thiết nhưng chưa được các bộ, ngành ban hành hướng dẫn. Đó là định mức chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định ở tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, luật chỉ cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và ba chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là: Cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Song, đến nay cả nước chỉ mới có một Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại TP Hồ Chí Minh, nhưng hoạt động cầm chừng. Điều đó giải thích vì sao thời gian qua, việc tiếp nhận trưng cầu giám định và tổ chức thực hiện giám định lĩnh vực tài chính, ngân hàng… tập trung về cấp trung ương và trải qua nhiều cấp hành chính, nên không bảo đảm thời gian theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, lĩnh vực xã hội có nhu cầu lớn về giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy… thì không được thành lập văn phòng giám định. Có nhiều trường hợp tòa án đợi lâu không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án và phải làm công văn nhắc kết quả nhiều lần.

Ngoài ra, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc, Luật Giám định tư pháp chưa quy định cụ thể về thời hạn tối đa để giám định, không rõ về chế tài xử lý đối với những trường hợp từ chối, né tránh giám định không có lý do chính đáng, càng khiến công tác này bị chậm trễ, kéo dài.

Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài; kết luận giám định trong một số vụ án chưa chặt chẽ, còn chung chung, làm hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, bà Đỗ Hoàng Yến cho biết, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lý lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định để khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định thời gian qua. Với nhu cầu mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định, tiến tới Bộ Tư pháp sẽ cân nhắc cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp ở một số lĩnh vực, chuyên ngành giám định có nhu cầu lớn, thường xuyên như giám định dấu vết tài liệu...

Từ đó, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và một số cơ quan nhà nước như thanh tra, kiểm toán, ngân hàng, phát huy mạnh mẽ nguồn lực xã hội cho giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn né tránh, đùn đẩy trong giám định tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.